Multimedia Đọc Báo in

Làm giả 10 giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô để lừa chiếm đoạt gần 5 tỷ đồng

15:20, 29/03/2022

Ngày 29/3, TAND tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Quang Tân (SN 1983, trú thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) 22 năm tù về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Theo cáo trạng, Tân là người đứng tên trong Giấy chứng nhận đăng ký của 8 chiếc xe ô tô. Do cần vốn kinh doanh làm ăn nên Tân đã thế chấp cả 8 xe ô tô này vào ngân hàng để vay tiền. Đến tháng 1/2020, do làm ăn thua lỗ, không có tiền trả nợ, trong khi các giấy tờ gốc của 8 xe ô tô đã thế chấp cho ngân hàng nên Tân nảy sinh ý định làm giả các Giấy chứng nhận đăng ký của 8 xe ô tô trên.

Đối tượng tại phiên xử sơ thẩm
Đối tượng Nguyễn Quang Tân tại phiên xử sơ thẩm.

Thông qua mạng xã hội Facebook, Tân biết đối tượng Lưu Chí Khang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh (không rõ nhân thân lai lịch) có khả năng làm giả các loại giấy tờ. Từ đó, Tân đã liên lạc và cung cấp thông tin 8 chiếc xe ô tô của mình để thuê Khang làm giả 10 Giấy chứng nhận đăng ký (trong đó có 2 xe làm giả 2 giấy chứng nhận/xe). Giá làm giả mỗi giấy chứng nhận là 5 triệu đồng.

Sau khi có được các giấy tờ giả trên, Tân đã mang 2 xe đến cầm cố cho anh Tô Đức Lợi (SN 1991, trú tại TP. Buôn Ma Thuột) lấy 1 tỷ 150 triệu đồng; 8 giấy tờ giả còn lại Tân thế chấp vào Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) - Chi nhánh Đắk Lắk lấy 3 tỷ 780 triệu đồng. Toàn bộ số tiền có được, Tân đã trả nợ và tiêu xài cá nhân hết.

Sau khi biết được Tân sử dụng giấy tờ giả để chiếm đoạt tài sản, anh Lợi và Ngân hàng HDBank đã làm đơn tố cáo đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.