Multimedia Đọc Báo in

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi pháp luật về đất đai

08:12, 03/03/2023

Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ngoài việc nêu một số điểm tồn tại, hạn chế trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, ThS. Luật sư Tạ Quang Tòng, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc (Liên đoàn Luật sư Việt Nam), Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk còn chỉ ra những yếu kém từ chính năng lực cán bộ, những người thực thi chính sách.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong trường hợp cần thiết, Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; lợi ích quốc gia; lợi ích công cộng và các mục đích phát triển kinh tế thì người bị thu hồi đất được bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Luật Đất đai 2013 cũng như các thông tư, hướng dẫn dưới luật cũng đã có các quy định về việc thu hồi đất; lên phương án đền bù giải tỏa; công khai quy hoạch; nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự đối với việc thu hồi, bồi thường, tái định cư…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến đất đai, vẫn có tình trạng người thừa hành tại các cơ quan chính quyền, địa phương đã không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật đất đai. Ví dụ khi thu hồi đất để xây dựng các công trình công cộng nhưng không công khai quy hoạch nên dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp vẫn xảy ra.

ThS. Luật sư Tạ Quang Tòng, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh.

Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã chỉ ra những hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất chính sách, pháp luật về đất đai. Trong đó có nhận thức về chính sách, pháp luật về đất đai có nơi, có lúc chưa đầy đủ, ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, công tác thi hành chính sách, pháp luật về đất đai chưa nghiêm…, đặt ra yêu cầu đối với việc sửa đổi luật lần này là xây dựng cho được hệ thống pháp luật đất đai đồng bộ, thống nhất, ổn định, tổng thể, chiến lược, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết được yêu cầu của thực tiễn; phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Thông qua Luật Đất đai, sẽ thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.

Chính vì vậy, trong 11 nhóm chính sách được bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), có điểm mới được người dân kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư… đó là việc hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, với sự tham gia của đại diện HĐND, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức tư vấn, chuyên gia về giá đất để bảo đảm tính độc lập, khách quan. Một điểm đổi mới quan trọng nữa của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai; giảm tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai bằng các quy định cụ thể về kiểm toán đất đai, theo dõi, đánh giá đối với quản lý, sử dụng đất đai, kiểm tra chuyên ngành đất đai; quy định thẩm quyền cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai; quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong chỉ đạo, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn; hoàn thiện các cơ chế giám sát trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật ở từng cấp.

Ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, để nâng cao chất lượng trong việc thực thi chính sách, pháp luật, cần đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn cho công tác quản lý đất đai trong quá trình thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục trính trị tư tưởng, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân.

Duy Tiến (ghi)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.