Multimedia Đọc Báo in

Xử lý vi phạm nồng độ cồn: Quyết liệt và không có “vùng cấm”

06:44, 13/03/2023

Năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh xác định chuyên đề trọng tâm, xuyên suốt là xử lý vi phạm kết hợp tuyên truyền về tác hại của rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện. Qua đó chấn chỉnh các trường hợp vi phạm và dần hình thành thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe” với mọi người dân.

Vẫn còn nhiều vi phạm

Khoảng 21 giờ, ngày 1/3/2023, quá trình tuần tra lưu động trên đường Ngô Gia Tự, phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột), Tổ công tác đặc biệt về kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn (gồm lực lượng CSGT và Cảnh sát cơ động) đã ra tín hiệu dừng xe một trường hợp điều khiển xe máy có dấu hiệu sử dụng rượu, bia. Qua kiểm tra nồng độ cồn cho kết quả, trường hợp anh H.Q.H. (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) vi phạm ở mức 0,585 mg/lít khí thở. Với mức vi phạm này, anh H. bị xử phạt 7 triệu đồng, Tổ công tác lập biên bản, tạm giữ xe theo quy định.

Chiến sĩ Cảnh sát cơ động kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển xe ô tô.

Cũng trong đêm 1/3, Tổ công tác đặc biệt phát hiện trường hợp anh L.C.H. (phường Tân Lợi, TP. Buôn Buôn Ma Thuột) điều khiển xe “liêu xiêu” trên đường, khi yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, người này tuyên bố “không cần thổi” vì biết mình say ở mức độ nào. Sau đó, cán bộ làm nhiệm vụ mời anh H. về trụ sở Phòng CSGT (Công an tỉnh) kiểm tra nồng độ cồn cho kết quả vi phạm ở mức 0,462 mg/lít khí thở. Vượt quá nồng độ cồn cho phép, cộng với hành vi không có giấy phép lái xe và không có giấy chứng nhận đăng ký xe, anh H. bị lập biên bản xử phạt gần 10 triệu đồng.

Trước đó, vào tối 20/2/2023, Tổ công tác đặc biệt phát hiện tài xế điều khiển xe bán tải có dấu hiệu sử dụng rượu, bia nên ra hiệu lệnh dừng phương tiện. Qua kiểm tra, tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,347 mg/lít khí thở. Tổ công tác lập biên bản vi phạm, tạm giữ phương tiện theo quy định. Với mức vi phạm trên, tài xế sẽ bị phạt 17 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 17 tháng.

Hiện nay, chế tài xử phạt lỗi vi phạm nồng độ cồn rất cao, cụ thể theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2020, đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự, mức thấp nhất là 7 triệu đồng, mức cao nhất là 35 triệu đồng. Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mức thấp nhất là 2,5 triệu đồng, mức cao nhất là 7 triệu đồng kèm theo các hình thức xử phạt bổ sung.

Mức phạt cao là thế, song số trường hợp vi phạm vẫn còn cao, không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra do người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện. Số liệu từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, năm 2022 lực lượng CSGT cả nước đã xử lý hơn 2,8 triệu trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó có 308.508 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 11,01%). Tại Đắk Lắk, trong năm 2022 lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý hơn 8.200 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Đáng chú ý có tới 200 trường hợp khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn thì không hợp tác, thậm chí chống đối lực lượng làm nhiệm vụ.

Không có "vùng cấm" trong xử lý vi phạm

Theo nhận định của Thiếu tá Hà Cao Hoàng, Phó Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 2, Phòng CSGT, Công an tỉnh, hiện nay tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát, do đó tình trạng vi phạm về nồng độ cồn tái diễn trở lại. Bên cạnh phần lớn người dân đã ý thức được việc chấp hành quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe” vẫn còn không ít trường hợp vi phạm. Qua tuần tra, kiểm soát của Tổ công tác đặc biệt trong nửa cuối tháng 2 và những ngày đầu tháng 3 vừa qua, mỗi đêm lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện từ 3 - 5 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Nhằm kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh và lãnh đạo Phòng CSGT, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ luôn nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật “không có "vùng cấm", không có ngoại lệ”, không giải quyết bất cứ trường hợp nào can thiệp, xin bỏ qua lỗi vi phạm… trong qua trình tuần tra, kiểm soát.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đọc kết quả đo nồng độ cồn cho người điều khiển phương tiện.

Trung tá Ngô Hoài Nam, Phó Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết, thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn còn diễn ra phô biến, nhất là tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia tham gia giao thông dẫn tới tai nạn giao thông gây thiệt hại về người và tài sản. Trong tháng 2/2023, Phòng đã kịp thời tham mưu xây dựng triển khai Kế hoạch số 31/KH-CAT-PC08 ngày 15/2/2023 về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”.

Hiện nay mức phạt đối với vi phạm cồn tương đối cao, phù hợp với tình hình thực tế và mang tính răn đe mạnh mẽ đối với người vi phạm. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý lái xe có hành vi vi phạm nồng độ cồn vẫn còn tình trạng không chấp hành yêu cầu kiểm tra, có nhiều hành vi chống đối, có lời lẽ xúc phạm, gây khó khăn cho cán bộ, chiến sĩ đang thi hành nhiệm vụ.

Trước thực tế đó, Công an tỉnh đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương, lực lượng chức năng thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh năm 2023. Trong đó có nội dung yêu cầu toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức... nêu gương trong việc chấp hành và cam kết chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ, không vi phạm nồng độ cồn, ma túy... Đặc biệt, không tác động vào việc xử lý của lực lượng làm nhiệm vụ. Cùng với đó kết hợp với công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, từng bước hình thành thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.