Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022:
Đạo luật cao nhất, toàn diện về phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ tư, ngày 10/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.
Đây được xem là đạo luật cao nhất từ trước đến nay nhằm thể chế hóa, thực hiện đầy đủ quan điểm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Cơ sở pháp lý và thực tiễn
Ngày 18/2/1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về "Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Đây là một khâu quan trọng và cấp bách để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm thực hiện quan điểm của Đảng về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo lập cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân và của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị - xã hội ở nước ta.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua đã bộc lộ những bất cập, hạn chế về quy định nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; vai trò tham gia và giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân chưa được quy định rõ...
Hiến pháp năm 2013 với tinh thần đề cao quyền làm chủ của nhân dân đã ghi nhận các hình thức thực hiện quyền dân chủ như: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (Điều 6)…
Cử tri tìm hiểu thông tin những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp. |
Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, Bộ Chính trị đã có nhiều chỉ đạo cụ thể liên quan đến phát huy quyền làm chủ của nhân dân và yêu cầu hoàn thiện thể chế về dân chủ ở cơ sở.
Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định và yêu cầu thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”…
Các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên đặt ra yêu cầu xây dựng và ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được ban hành nhằm mục đích: Hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là người chủ của đất nước.
Theo đó, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 có 6 chương, 91 điều, quy định rõ quyền, nghĩa vụ của công dân, bao gồm:
Quyền của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở như: Được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời. Đề xuất sáng kiến, tham gia ý kiến, bàn và quyết định đối với các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở. Kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật…
Nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở: Tuân thủ quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tham gia ý kiến về các nội dung được đưa ra lấy ý kiến ở cơ sở theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Chấp hành quyết định của cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động. Kịp thời kiến nghị, phản ánh, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở…
Quyền thụ hưởng của công dân: Được Nhà nước và pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Được bảo đảm thực hiện các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Được thông tin đầy đủ, kịp thời về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội theo quy định của pháp luật và quyết định của chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức ở nơi mình cư trú, công tác, làm việc…
Có thể thấy, với đạo luật này, thực hiện dân chủ ở cơ sở đã trở thành quy phạm pháp luật quy định cụ thể về quyền của người dân. Nhân dân đã có công cụ pháp lý vững chắc để thực hiện quyền làm chủ của mình.
Nguyễn Gia
Ý kiến bạn đọc