Multimedia Đọc Báo in

Người điều khiển phương tiện sử dụng ma túy: Cần phải nghiêm trị

08:24, 30/07/2023

Thời gian qua, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các vụ việc tài xế dương tính với chất ma túy khiến không ít người lo lắng về việc bảo đảm an toàn tính mạng hành khách khi tham gia giao thông.

Theo thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 6 tháng đầu năm 2023, qua công tác tuần tra, kiểm soát lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý gần 1,7 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó có 1.159 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy.

Đáng chú, trong số đó có nhiều trường hợp là tài xế xe khách đường dài điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy. Đơn cử như vào tối 28/6, Trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) Cửa ô Hòa Hiệp (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) phối hợp với công an địa phương kiểm tra theo kế hoạch về việc người điều khiển phương tiện xe khách sử dụng ma túy. Đến khoảng 19 giờ 30 cùng ngày, lực lượng làm nhiệm vụ ra tín hiệu dừng xe khách biển kiểm soát (BKS) 73B-008.77 do tài xế N.V.H. (46 tuổi, ngụ xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) điều khiển chạy tuyến Đà Nẵng – Quảng Bình, thời điểm này trên xe chở 19 hành khách. Kết quả kiểm tra nhanh cho thấy tài xế H. dương tính với ma túy đá.

Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự, Công an huyện Krông Ana lập biên bản một trường hợp điều khiển xe mô tô mà trong cơ thể có chất ma túy.

Trước đó, vào khoảng 11 giờ 25 ngày 1/4, trong quá trình làm nhiệm vụ tuần tra toàn tuyến Vành đai 3, tổ công tác của Đội CSGT thuộc Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội đã kiểm tra ô tô khách BKS 21B-008.01 và xác định tài xế điều khiển phương tiện dương tính với OPI - chất ma túy dạng thuốc phiện. Đấu tranh khai thác tại chỗ, tài xế khai nhận có sử dụng thuốc đen (thuốc phiện) trong bữa ăn cách thời điểm kiểm tra ba ngày.

Mới đây nhất là vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe ô tô BKS của nước Lào tông vào một người đi bộ và bốn người đi xe máy trên Quốc lộ 49 (đoạn qua xã Phú Dương, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) vào sáng 25/7, khiến một cháu bé 7 tuổi tử vong tại chỗ và bốn người khác bị thương. Đáng chú ý, theo thông tin từ cơ quan chức năng, người điều khiển xe ô tô này dương tính với ma túy, không có giấy phép lái xe đối với phương tiện đang điều khiển và chưa xuất trình được các loại giấy tờ liên quan đến phương tiện.

Tại Đắk Lắk, 6 tháng đầu năm nay, lực lượng CSGT đã phát hiện 81 trường hợp người điều khiển phương tiện (chủ yếu người điều khiển xe mô tô) dương tính với chất ma túy.

Cán bộ Đội CSGT - Trật tự, Công an thị xã Buôn Hồ kiểm tra chất ma túy trong nước tiểu của người điều khiển phương tiện.

Không chỉ trên đường bộ, trong lĩnh vực hàng không, tình trạng phi công sử dụng ma túy vẫn xảy ra, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Đó là trường hợp phi công P.H.D. của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam dương tính với ma túy vừa mới bị cơ quan chức năng phát hiện. Theo nhận định của Bộ Giao thông vận tải, đây là sự việc đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Bởi nếu sự việc không được phát hiện kịp thời, trường hợp phi công sử dụng ma túy điều khiển máy bay gây tai nạn thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp.

Theo quy định, trên lĩnh vực đường bộ, nếu người điều khiển xe ô tô mà trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, đồng thời bị áp dụng biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Còn đối với lĩnh vực hàng không dân dụng, với nhiều tính chất đặc thù nên quy định xử lý cũng nghiêm khắc hơn. Cụ thể, theo Thông tư số 46/2013/TT-BGTVT, ngày 25/11/2013 của Bộ Giao thông vận tải về hướng dẫn chế độ kỷ luật lao động đặc thù đối với nhân viên hàng không quy định, nhân viên hàng không sử dụng hoặc có kết quả dương tính đối với các chất ma túy hoặc chất kích thích không được phép sử dụng sẽ bị tạm đình chỉ ngay công việc đang đảm nhiệm; không được sử dụng làm việc tại vị trí nhân viên hàng không ở bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Mặc dù các quy định hiện hành về xử lý hành vi sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông là khá đầy đủ, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều trường hợp “nhờn luật”, dẫn đến xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng. Thậm chí, trường hợp chưa gây tai nạn (đơn cử như trường hợp phi công P.H.D.) cũng là hành vi cần lên án và pháp luật phải có biện pháp nghiêm trị để răn đe, đồng thời sớm loại bỏ các “con nghiện” ra khỏi hoạt động vận tải, nhất là vận tải hành khách, kể cả đường bộ và hàng không. Bởi phía sau tay lái của họ là hàng chục, thậm chí hàng trăm tính mạng.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc