Multimedia Đọc Báo in

Bài học đắt giá cho hành vi xem thường pháp luật

07:10, 09/10/2023

Tôi rất hối hận, mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho tôi và 8 bị cáo còn lại. Mọi người vì nghĩ lô cà phê vẫn còn thuộc quyền quản lý của tôi nên mới tham gia bắt giữ người trái pháp luật và chống người thi hành công vụ” – đó là những lời sau cùng đầy ăn năn, day dứt của bị cáo Nguyễn Thành Giang tại phiên tòa xét xử sơ thẩm diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua.

Có phải do “thiếu hiểu biết pháp luật”?

Thửa đất số 87, tờ bản đồ số 3 tại thôn Hòa Bắc, xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc) được Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi (gọi tắt là Công ty Thắng Lợi) hợp đồng giao khoán cho hộ ông Nguyễn Thành Giang từ năm 2011. Hình thức giao khoán là hộ ông Giang tự đầu tư, chăm sóc, bảo vệ; đồng thời nộp sản phẩm về công ty theo định mức thỏa thuận. Tuy nhiên, niên vụ 2018 – 2019, Giang không nộp sản phẩm theo hợp đồng nên bị công ty khởi kiện. Sau hai lần xét xử, bản án dân sự phúc thẩm vào ngày 21/1/2020 của TAND tỉnh tuyên buộc ông Giang phải trả cho Công ty Thắng Lợi 5.198 kg cà phê quả tươi.

Do ông Giang không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án nên ngày 16/3/2022, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắc đã tiến hành kê biên, xử lý tài sản là vườn cây trên để thi hành án dân sự. Ngày 7/7/2022, Chi cục Thi hành án dân sự huyện đã giao vườn cây cho Công ty Thắng Lợi có toàn quyền sở hữu theo quy định pháp luật, đồng thời thông báo cho ông Nguyễn Thành Giang biết.

Bị cáo Nguyễn Thành Giang trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử tại phiên tòa sơ thẩm.

Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử vụ án “bắt, giữ người trái pháp luật và chống người thi hành công vụ”, bị cáo Nguyễn Thành Giang cho rằng, do thiếu hiểu biết pháp luật nên gia đình bị cáo vẫn thực hiện các hoạt động chăm sóc vườn cây cà phê như: phun thuốc, bẻ chồi, làm cành… trên diện tích mà Chi cục Thi hành án dân sự huyện đã bàn giao cho Công ty Thắng Lợi. Khoảng 5 giờ sáng 7/11/2022, nghe tin công ty tiến hành cưa hạ vườn cây, vợ chồng bị cáo đã đến hiện trường, gọi điện thoại thông báo cho một số người cùng đến, có hành vi la hét, chửi bới, ngăn cản và đuổi bắt những người cưa cây.

Theo quan điểm của Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa, ông Giang đã biết rõ việc tổ chức thi hành án giao vườn cây cho Công ty Thắng Lợi nhưng không thực hiện. Trước khi cưỡng chế thi hành án dân sự, các cơ quan chức năng của huyện nhiều lần làm việc với ông Giang và đã giải thích, vận động, phổ biến đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan. Do đó, ông Giang không thể cho rằng gia đình mình vì thiếu hiểu biết pháp luật, tự cho mình còn quyền canh tác trên vườn cây này khi Chi cục Thi hành án dân sự đã giao cho Công ty Thắng Lợi có toàn quyền sở hữu.

Những hành vi vi phạm pháp luật

Theo kết quả điều tra của các cơ quan chức năng, thời điểm xảy ra vụ việc có đến khoảng 300 người tập trung ở vườn cây. Nhiều đối tượng, trong đó có Lê Thị Lụa, Dương Thị Thủy đã hô hào, chửi bới và bắt, trói hai ông Nguyễn Văn Cường và Nguyễn Xuân Trường (là người công ty thuê cưa cây). Lúc này, ông Nguyễn Xuân Huy (cán bộ Công an huyện Krông Pắc được phân công làm nhiệm vụ tại hiện trường) đến gần, xưng là công an và yêu cầu các đối tượng không được bắt, giữ người trái pháp luật thì ông Giang tiếp tục chỉ ông Huy và nói “thằng này chỉ đạo cắt cây”. Nghe vậy, Nguyễn Thị Thanh Phong và các đối tượng đứng gần đã bắt, trói ông Huy lại rồi lục túi lấy ra một thẻ ngành công an của ông Huy. Trong quá trình giữ người, Lụa và các đối tượng ép ba người nói trên phải viết bản tường trình. Một số đối tượng đã đánh đập, hành hung ông Cường, ông Trường và ông Huy.

Khoảng 8 giờ 30 ngày xảy ra vụ việc, lực lượng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh đến phối hợp giải cứu những người bị bắt giữ. Dù nghe rõ lực lượng chức năng tuyên truyền, yêu cầu đám đông giải tán nhưng các đối tượng vẫn không chấp hành. Lụa đứng trên các đoạn cây, cản đường, vừa hô hào chống đối, vừa dùng điện thoại phát trực tiếp lên mạng xã hội. Nhiều đối tượng kéo các đoạn cây, xe mô tô ra giữa đường, hô hào, cản đường và xô đẩy cán bộ, chiến sĩ công an, không cho vào khu vực người bị bắt giữ trái pháp luật.

Bị cáo Lê Thị Lụa bị truy tố cả hai tội danh là bắt giữ người trái pháp luật và chống người thi hành công vụ.

Quá trình xét hỏi tại phiên tòa, nhiều bị cáo cho rằng không nhớ cụ thể những lời nói, việc làm của bản thân, không thừa nhận hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Tuy nhiên, khi chủ tọa phiên tòa công bố các bản lời khai của bị cáo, bị hại, người làm chứng… cùng kết luận giám định âm thanh, hình ảnh trong các video quay lại sự việc, các bị cáo đã lần lượt thừa nhận hành vi của mình và bày tỏ thái độ ăn năn, hối cải. Với bị cáo Giang, chủ tọa phiên tòa phân tích, những lời nói, hô hào, kích động như: “giữ lại”, “chặn hết lại”, “giết hết đi”… dù trong trạng thái bức xúc và không thực hành trực tiếp vẫn là nguyên nhân tác động, tiếp sức cho các đối tượng và các bị cáo khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Kết thúc phiên tòa, cả 9 bị cáo tham gia vụ việc đều phải nhận những bản án cho những hành động đã gây ra. Trong đó, có bị cáo tham gia bắt người rồi bỏ về với mong muốn bộc phát là gây áp lực đến Công ty Thắng Lợi và chính quyền địa phương, có bị cáo là người trên 60 tuổi, có bị cáo chỉ vì nghe theo lời các đối tượng khác nên đứng thành hàng ngăn cản lực lượng chức năng làm nhiệm vụ… Hành vi của các bị cáo đã xâm hại đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể, tự do của người khác, cản trở hoạt động công vụ bình thường của Nhà nước, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Đáng tiếc nhất là trường hợp của vợ chồng bị cáo Giang – Thủy, cả hai đều phải nhận án tù giam trong khi hai con đầu đang học đại học, con út mới học lớp 4.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc