Multimedia Đọc Báo in

Chủ xe và tài xế “nhờn luật”: Chế tài đã đủ mạnh?

08:43, 08/10/2023

Vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng mới đây tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai khiến nhiều người bị thương vong đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng “nhờn luật” của cả chủ xe và tài xế. Điều này cũng đặt ra vấn đề về chế tài xử lý, vai trò giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về các điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Vào hồi 2 giờ 40 ngày 30/9/2023, tại Km 48 Quốc lộ 20 (đoạn qua huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), xe ô tô khách giường nằm của Công ty TNHH Thành Bưởi lưu thông hướng Dầu Giây - Đà Lạt đã va chạm vào đuôi xe tải lưu thông cùng chiều, sau đó xe ô tô khách tiếp tục lao sang bên trái đường va chạm với ô tô khách 16 chỗ của nhà xe Hải Đăng lưu thông hướng ngược lại. Hậu quả làm 5 người tử vong và 4 người khác bị thương.

Qua kiểm tra dữ liệu trên hệ thống giám sát hành trình cho thấy, tại thời điểm xảy ra tai nạn, xe khách Thành Bưởi chạy tốc độ 69 km/giờ, vượt quá quy định, không giữ khoảng cách an toàn rồi lách qua làn quẹt vào đuôi xe tải lấn sang làn bên cạnh dẫn đến va chạm với xe chạy chiều ngược lại. Trong khi đó, khu vực xảy ra tai nạn giữa xe Thành Bưởi và xe khách 16 chỗ có tốc độ tối đa cho phép 50 km/giờ vì đây là khu đông dân cư.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh kiểm tra lệnh xuất bến của xe khách tại Bến xe phía Nam TP. Buôn Ma Thuột.

Điều đáng bàn ở đây, qua điều tra của cơ quan chuyên môn, lúc xảy ra tai nạn, tài xế nhà xe Thành Bưởi mặc dù đang trong thời hạn bị tước giấy phép lái xe (GPLX) nhưng vẫn điều khiển phương tiện để chở hành khách. Trước sự việc trên, dư luận rất bức xúc vì lỗi chạy quá tốc độ của tài xế lái xe Thành Bưởi, càng bức xúc hơn khi người này hiện đang bị tước bằng lái 3 tháng mà vẫn điều khiển xe tham gia giao thông rồi gây tai nạn.

Theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà bị xử phạt tước GPLX có thời hạn thì trong khoảng thời hạn đó sẽ không được điều khiển xe ghi trong giấy phép. Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít tài xế, nhất là những lái xe kinh doanh vận tải dù bị tước GPLX nhưng vẫn được chủ xe giao phương tiện lưu thông trên đường. Điều này cho thấy, quy định của pháp luật rõ ràng, song cả chủ xe và tài xế đều cố tình vi phạm – là biểu hiện của tình trạng “nhờn luật”.

Tình trạng tài xế bị tước GPLX, song trong thời hạn bị tước bằng lái vẫn điều khiển phương tiện không hiếm gặp. Trên thực tế, quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp đang trong thời hạn bị tước GPLX nhưng vẫn thực hiện điều khiển phương tiện. Đơn cử như tại tỉnh Đắk Lắk, vào tối 25/4/2023, một tổ Cảnh sát giao thông (CSGT) (thuộc Đội CSGT Đường bộ số 1, Phòng CSGT, Công an tỉnh) thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn đối với tài xế tại Bến xe phía Nam TP. Buôn Ma Thuột. Qua kiểm tra, lực lượng CSGT phát hiện xe khách biển kiểm soát: 51F-002.83 (của nhà xe Tiến Oanh, chạy tuyến Bến xe Cư Kuin, Đắk Lắk - Bến xe Ngã Tư Ga, TP. Hồ Chí Minh), được bến xe Cư Kuin ký lệnh xuất bến, do hai tài xế có GPLX hạng E điều khiển. Tuy nhiên, qua kiểm tra, một trong hai tài xế không xuất trình được GPLX phù hợp. Sau đó, tài xế này khai nhận GPLX đang bị tạm giữ do vi phạm tốc độ trước đó khi lưu thông trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đắk Nông.

Cán bộ Thanh tra Sở Giao thông vận tải kiểm tra giấy tờ của tài xế xe khách.

Không chỉ riêng tài xế vi phạm quy định khi tham gia giao thông, chủ xe, chủ doanh nghiệp cũng liên đới trách nhiệm. Bởi, theo quy định hiện hành, tất cả xe kinh doanh vận tải buộc phải lắp camera hành trình bao gồm: ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên; ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo. Đây là thiết bị để doanh nghiệp giám sát, theo dõi hành trình xe chạy, đồng thời quản lý lái xe, người lao động. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp vận tải nào cũng chú ý đến khâu này, thậm chí có tình trạng “khoán trắng” cho lái xe, đến lúc tai nạn xảy ra mới nắm bắt sự việc. Người phải gánh hậu quả là nạn nhân của các vụ TNGT, người nhà của họ và cả xã hội.

Thiết nghĩ, việc tài xế bị tước GPLX nhưng vẫn có tên trong lệnh vận chuyển là sai quy định của pháp luật. Đây là hành vi rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của hành khách trên xe. Do đó, ngoài việc xử phạt hành chính, cần có chế tài mạnh hơn (kể cả đối với lái xe chưa gây ra tai nạn) để răn đe và ngăn chặn TNGT xảy ra do những tài xế không đủ điều kiện cầm lái.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc