Multimedia Đọc Báo in

Hiểu đúng về quy định Cảnh sát giao thông hóa trang làm nhiệm vụ

08:42, 08/10/2023

Ngày 1/8/2023, Bộ Công an ban hành Thông tư 32/2023/TT-BCA (gọi tắt là thông tư 32) quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT).

Ngay sau đó, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bình luận trái chiều, xuyên tạc, hòng chèo lái dư luận hiểu sai lệch về các quy định đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của Thông tư này.

Điển hình, trên trang fanpage “Tôi Yêu Quân Đội Nhân Dân Việt Nam”, các trang Facebook như: Niemvui Cuocsong, Nam Anh, Đông Lâm đã có các bình luận như: “Luật ra kiểu này thì công an giả nhiều quá, nguy hiểm cho dân”, “xem người dân như tội phạm hay sao mà phải mật phục để bắt”, “Giao thêm vũ khí nguy hại cho kẻ ác để hành dân”… Đây là những luận điệu sai trái, suy diễn lệch lạc về bản chất vấn đề.

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn tài xế xe khách.

Thông tư 32, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình tuần tra, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT có hiệu lực từ ngày 15/9/2023. Thông tư mới này được sửa đổi, bổ sung từ Thông tư 65/2020, với những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn: Lực lượng CSGT hóa trang (mặc thường phục) khi đi làm phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, được cấp thẩm quyền phê duyệt. CSGT hóa trang phải phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai. Đồng thời, chỉ có nhiệm vụ là sử dụng kỹ thuật nghiệp vụ để giám sát, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm trật tự an toàn giao thông. Khi phát hiện, CSGT hóa trang không trực tiếp xử lý vi phạm mà phải thông báo ngay cho lực lượng CSGT công khai để dừng xe và xử lý. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm thì CSGT hóa trang phải sử dụng giấy chứng minh Công an nhân dân để thông báo, vận động nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm.

Trước đó, ngày 4/1/2016, Bộ Công an cũng đã có Thông tư số 01/2016/TT-BCA Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT. Theo đó, tại khoản 1, Điều 9 của Thông tư này cũng quy định rõ về các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang là: Hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Đấu tranh phòng, chống tội phạm; khi tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông phức tạp. Vậy, Thông tư 32 không phải là một quy định hoàn toàn mới. Trên thực tế, lâu nay, lực lượng CSGT cũng đã sử dụng biện pháp công khai kết hợp với hóa trang khi kiểm soát nồng độ cồn, xử lý vi phạm giao thông, mang lại hiệu quả cao.

Mai Phương


Ý kiến bạn đọc