Multimedia Đọc Báo in

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật: Khi lợi thế của mạng xã hội được phát huy

08:25, 23/11/2023

Cùng với các hình thức truyền thống, trong thời đại 4.0, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tận dụng ưu thế, tiện ích của công nghệ thông tin và mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo sự lan tỏa sâu rộng, nhanh chóng, góp phần nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật cho người dân, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Kịp thời, hiệu quả với trang Zalo an ninh

Thực hiện chỉ đạo của Công an tỉnh, từ năm 2020, Công an xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) đã thành lập trang Zalo an ninh do công an xã quản lý, điều hành. Trên trang này đã đăng tải các thông tin liên quan đến quy định, thời gian, địa điểm cấp đăng ký xe, căn cước công dân, cách đăng ký thường trú, tạm trú; các thông báo tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự, công an; kêu gọi người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Cùng với đó, trên trang Zalo an ninh của xã cũng phổ biến các phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tác hại của pháo nổ, ma túy… Các mô hình hiệu quả về bảo vệ an ninh Tổ quốc, gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, người tốt việc tốt… đều được đăng tải kịp thời trên trang Zalo an ninh.

Công an xã Cư Né (huyện Krông Búk) hướng dẫn người dân cách tìm hiểu kiến thức pháp luật qua Internet và các trang mạng xã hội. Ảnh: Lê Thành

Trung tá Nguyễn Kiên, Trưởng Công an xã Hòa Hiệp cho biết, bên cạnh việc công khai, hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính, truyền tải các văn bản, chính sách mới, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trang Zalo an ninh còn là “kênh” chính thức tiếp nhận các tin báo tố giác tội phạm của người dân, tổ chức, góp phần giúp lực lượng công an đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Cũng nhờ các thông tin được truyền tải nhanh, chính xác trên trang Zalo an ninh đã góp phần giúp xã Hòa Hiệp trở thành một trong hai xã đầu tiên của huyện Ea Kuin hoàn thành việc cấp căn cước công dân gắn chíp. Hòa Hiệp cũng là xã có số người phạm tội ít nhất trên địa bàn huyện.

Lan tỏa thông tin

Để đưa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vào cuộc sống, năm 2022, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh và Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Hội đồng) tổ chức cuộc thi trực tuyến “Công dân với pháp luật về bảo vệ môi trường”. Công tác tuyên truyền về cuộc thi được thực hiện bằng nhiều hình thức. Hơn nữa, với cách thức thi trực tuyến nên mọi người có thể tham gia thi mọi lúc, mọi nơi thông qua các thiết bị thông minh có kết nối mạng. Nhờ vậy, đã thu hút 17.204 lượt người thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi đăng lý tài khoản tham gia thi, với 25.764 lượt thi. Cuộc thi đã thực sự lan tỏa, góp phần xây dựng, hình thành thói quen chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Kết quả của cuộc thi cho thấy tính hiệu quả của việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Ảnh: Quỳnh Anh

Bên cạnh cuộc thi trực tuyến trên, với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng, Sở Tư pháp đã tham mưu xây dựng website thi tìm hiểu pháp luật, đã tổ chức và phối hợp tổ chức các cuộc thi trực tuyến như: “Tìm hiểu kiến thức pháp luật năm 2020”, “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19”, “Tìm hiểu pháp luật về an ninh mạng, ứng xử và phòng tránh thông tin giả, các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng”... Đồng thời tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh để phổ biến, quán triệt các luật mới ban hành.

Trên cơ sở hướng dẫn của Hội đồng, các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và các địa phương cũng đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức đa dạng như: thành lập các trang Facebook, fanpage, Zalo để cung cấp thông tin pháp luật; tổ chức các hội nghị trực tuyến; hội thi tìm hiểu pháp luật trên Internet... Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương cũng chú trọng đăng tải lên cổng/trang thông tin điện tử các văn bản pháp luật mới ban hành, quy định pháp luật và dự thảo văn bản có liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, những vấn đề người dân quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội. Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk, Báo Đắk Lắk đã xây dựng các chuyên mục hỏi đáp, tuyên truyền pháp luật với các ấn phẩm phong phú như: infographic, audio, video và đăng tải trên môi trường mạng.

Theo đánh giá của Hội đồng, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, vận hành Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, tận dụng ưu thế của mạng xã hội đã góp phần đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào chiều sâu, hiệu quả. Người dân thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi đều có thể tiếp cận, tìm hiểu kiến thức, quy định của pháp luật ở nhiều lĩnh vực một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.