Nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi “tà đạo”
Thời gian qua, tình trạng các tổ chức, hội, nhóm tín ngưỡng, hiện tượng tôn giáo mới chưa được thừa nhận xâm nhập vào địa bàn tỉnh đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân và an ninh trật tự. Để ngăn chặn, đẩy lùi “tà đạo”, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm góp phần bảo đảm an ninh tôn giáo trên địa bàn.
Cuối tháng 11 vừa qua, Công an huyện M’Drắk đã phối hợp với Phòng An ninh nội địa (Công an tỉnh) tiến hành làm việc với ba đối tượng: S.S.N. (SN 1980), T.A.C. (SN 1972) và T.T.D. (SN 1982), đều là người dân tộc Mông, trú tại thôn 4, xã Ea M’doal vì tham gia tổ chức “Bà Cô Dợ”.
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận được tuyên truyền, lôi kéo tham gia tổ chức “Bà Cô Dợ” thông qua các phần mềm, ứng dụng trên mạng Internet. Lực lượng công an đã phân tích, chỉ rõ về âm mưu, phương thức, thủ đoạn, mục đích hoạt động của “Bà Cô Dợ”, bản chất phản động cũng như các luận điệu xuyên tạc, lừa mị của các đối tượng cầm đầu, cốt cán tổ chức này.
Lực lượng công an làm việc với một đối tượng tham gia tà đạo "Bà Cô Dợ". Ảnh: Công an huyện M'Drắk. |
Được biết, tà đạo “Bà Cô Dợ” còn gọi là Hội Thánh Đức Chúa trời yêu thương chúng ta do Vừ Thị Dợ (SN 1978, người Mông, sinh sống ở bang Wilcosin, nước Mỹ) thành lập và làm hội trưởng vào cuối năm 2016. Hiện nay, tà đạo “Bà Cô Dợ” đã lan truyền, tác động, lôi kéo được một số đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk. Tại khu vực huyện M’Drắk, thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện một số đối tượng tham gia sinh hoạt tổ chức này.
Thượng tá Lữ Thị Anh Đào, Phó Trưởng Phòng An ninh nội địa (Công an tỉnh) cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có 12 tổ chức, hội, nhóm tín ngưỡng, hiện tượng tôn giáo mới chưa được thừa nhận, hoạt động mê tín dị đoan, núp bóng hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo (tà đạo, đạo lạ) hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. Trong đó, có các hội, nhóm đáng chú ý như Đức Ngọc Phật Hồ Chí Minh, Pháp Môn Diệu Âm, Thanh Hải Vô Thượng Sư, Hội thánh của Đức Chúa trời mẹ, Pháp luân công…
Thời gian qua, hoạt động của các hội, nhóm trên đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội như: mang nặng yếu tố mê tín dị đoan, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe con người; gây mâu thuẫn trong gia đình, chia rẽ mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư; giáo lý, giáo luật chủ yếu được chắp vá, pha tạp, cải biên, xuyên tạc từ một số điều trong giáo lý các tôn giáo chính thống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc...
Bên cạnh đó, hoạt động của các hội, nhóm này hầu hết đều vì ý đồ trục lợi, lợi ích cá nhân gây bức xúc trong cộng đồng tôn giáo. Một số đối tượng khi bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thì có thái độ ngoan cố, bất hợp tác, gửi đơn khiếu nại, vu cáo chính quyền vi phạm “nhân quyền”, “tự do tín ngưỡng, tôn giáo”…
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao quà tặng người dân trên địa bàn xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) tại Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023. |
Trước thực trạng trên, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, mà nòng cốt là lực lượng Công an tỉnh đã thường xuyên quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, như: Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2007/NĐ-CP, ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó, tham mưu, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tổ chức nhiều hội nghị với sự tham gia của các chức sắc, chức việc trong các tổ chức tôn giáo để quán triệt chủ trương, chính sách về tôn giáo của Đảng, Nhà nước; đồng thời đề nghị các chức sắc, chức việc quản lý, giáo dục, hướng dẫn tín đồ sinh hoạt tôn giáo thuần túy, tuân thủ pháp luật, cảnh giác, không tin, không theo các tà đạo.
Lực lượng Công an tỉnh cũng chủ động tham mưu, phối hợp chính quyền địa phương tổ chức các buổi phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng tôn giáo; phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác xây dựng, bồi dưỡng, phát huy vai trò lực lượng cốt cán phong trào, tranh thủ, vận động chức sắc, người có uy tín trong tôn giáo tại địa phương… Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần cảnh giác cho quần chúng, tín đồ trước ý đồ, thủ đoạn, hoạt động tuyên truyền, lôi kéo người hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm an ninh trật tự của các đối tượng trong tà đạo, đạo lạ…
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc