Người dân được phép sử dụng những loại pháo nào?
Tối 28/1 mới đây, khi đi dạo quanh chợ hoa ở Quảng trường 10/3 (TP. Buôn Ma Thuột), chúng tôi đã chứng kiến cảnh đốt pháo hoa công khai trước một quán karaoke ở góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Y Bih Aleo.
Từng chùm pháo hoa đủ màu sắc rực rỡ được bắn lên không trung và đi kèm là những tiếng nổ đì đùng thu hút người dân đi đường hiếu kỳ đứng xem. Màn bắn pháo hoa này kéo dài chừng 5 phút, nhưng không thấy lực lượng chức năng nào can thiệp, xử lý. Nhiều người đứng xem cũng rất phân vân không hiểu loại pháo hoa này có được phép sử dụng hay không, bởi vì bên cạnh những chùm ánh sáng rực rỡ là những tiếng nổ phát ra rất lớn, chẳng khác gì loại pháo nổ thông thường đang bị cấm sử dụng.
Những năm gần đây xuất hiện nhiều loại pháo hoa, trong đó có những loại pháo hoa được phép sử dụng trong các dịp lễ, Tết, khai trương. Chế tài pháp luật đã quy định rõ hình thức xử lý hành vi sản xuất, buôn bán, đốt pháo; đồng thời cũng quy định một số loại pháo được phép sử dụng. Theo đó, pháo hoa được phép sử dụng là loại pháo gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian nhưng không gây ra tiếng nổ. Còn loại "pháo hoa nổ" được xếp vào nhóm pháo nổ và nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tự ý sử dụng. Việc sử dụng pháo hoa nổ do cơ quan có thẩm quyền quyết định trong những trường hợp đặc biệt.
Cụ thể, điểm b, Khoản 1, Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định: pháo hoa được phép sử dụng trong những dịp cá nhân là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Như vậy, theo các quy định trên thì vào dịp Tết, người dân được phép mua và đốt các loại pháo hoa chỉ có âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian mà không gây tiếng nổ, hay còn gọi chung là pháo hoa “không nổ”. Đối với loại "pháo hoa nổ" (là loại phát ra tiếng nổ) thì phải do cơ quan chức năng tổ chức sử dụng vào các dịp lễ lớn hoặc dịp Tết theo kế hoạch của Nhà nước.
Hai đối tượng trú huyện Krông Pắc vừa bị xử phạt tù vì tàng trữ pháo hoa nổ. Ảnh: Quốc Dũng |
Pháp luật cũng nghiêm cấm việc tổ chức, cá nhân tự ý sản xuất, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ và pháo hoa nổ. Việc người dân mua các loại pháo không nổ để sử dụng cũng phải mua ở các địa điểm, cơ sở do Nhà nước quy định. Theo đó, Khoản 2, Điều 17, Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Hành vi đốt pháo nổ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và tùy từng tính chất, mức độ, hành vi, đối tượng phạm tội sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Nếu là hành vi “đốt pháo” tại nơi công cộng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Gây rối trật tự công cộng” quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù. Còn nếu “sản xuất, buôn bán” pháo thì sẽ bị xử lý về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm” quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015, hình phạt lên đến 15 năm tù nếu sản xuất, buôn bán từ 120 kg pháo nổ trở lên.
Mạnh Phong
Ý kiến bạn đọc