Cần xử lý nghiêm việc khai thác đất trái phép tại xã Chứ Kbô
Tình trạng khai thác đất trái phép diễn ra phức tạp tại xã Chứ Kbô (huyện Krông Búk) khiến người dân bức xúc khi phải sống trong cảnh "ăn đất, hít bụi".
Ngang nhiên khai thác đất trái phép
Điểm khai thác đất nằm tại các thôn Quảng Hà, Kty 1, Kty 2 và Kty 5 (xã Chứ Kbô). Việc khai thác đất ở đây đã diễn ra khá lâu, nhưng rầm rộ nhất là từ năm 2023 đến nay, cũng có lúc tạm ngưng nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn rồi trở lại hoạt động.
Theo ghi nhận của phóng viên, khối lượng đất mà các đối tượng khai thác đã lên đến hàng nghìn mét khối. Hiện trường khai thác là những quả đồi lớn bị múc tan hoang, tạo ra hố sâu hun hút, làm mất mỹ quan, nguy hiểm đến tính mạng của người dân sinh sống, canh tác xung quanh khu vực khai thác vì có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.
Người dân sinh sống tại xã Chứ Kbô phản ánh, tiếng máy xúc đất gầm gào cả ngày lẫn đêm, gây ồn ào, làm đảo lộn đời sống sinh hoạt. Hai bên đường, tường rào, cổng ngõ, cây xanh bám bụi dày đặc.
Không những thế, khu vực khai thác lại nằm sát bên tuyến đường vào Nông trường cao su Cư K'pô đang được UBND huyện nâng cấp, mở rộng khiến việc đi lại rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Hiện trường một khu vực khai thác đất trái phép tại xã Chứ Kbô. |
Chị H.T.H. ở thôn Quảng Hà bức xúc: “Các đối tượng thường khai thác đất từ 21 giờ đến 5 giờ ngày hôm sau để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện. Nhiều xe ô tô cỡ lớn, nhỏ ra vào thường xuyên, nối đuôi nhau chở đất, chạy băng băng trên đường.
Phần lớn xe không phủ bạt, kéo theo bụi bay mù mịt. Đến sáng khu vực khai thác được rào lại, đóng kín cổng, dọc đường chỉ toàn là đất rơi vãi”.
Bà P.T.T. ở thôn An Bình (xã Chứ Kbô) cũng phản ánh: “Khai thác đất trái phép gây thất thoát tài nguyên, làm xuống cấp hạ tầng giao thông. Đáng nói là việc khai thác đất diễn ra trong thời gian dài nhưng không bị xử lý dứt điểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan quản lý”.
Nhiều khó khăn trong công tác quản lý
Ông Phạm Mai Hùng, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện khẳng định, trên địa bàn huyện đã quy hoạch 3 mỏ đất, nhưng hiện chưa có mỏ đất nào được các sở, ban, ngành hữu quan tổ chức khảo sát, thăm dò đánh giá trữ lượng, tổ chức đấu giá. Do đó, việc khai thác đất trên địa bàn huyện là hoàn toàn trái phép.
UBND xã Chứ Kbô lập biên bản xử phạt hành chính đối tượng khai thác đất trái phép. |
Đến thời điểm hiện tại, UBND xã Chứ Kbô đã lập biên bản xử phạt 5 hộ dân tự ý san lấp đất gồm: Nguyễn Trọng Hùng, khai thác 107,3 m3, số tiền xử phạt 36 triệu đồng; Nguyễn Văn Mười khai thác 7 m3, xử phạt 2 triệu đồng; Nguyễn Văn Phú: 10 m3, xử phạt 3 triệu đồng; Nguyễn Văn Quý: 6 m3, xử phạt 3 triệu đồng; Lê Văn Vinh: 11 m3, xử phạt 4 triệu đồng.
Nếu vẫn để tiếp diễn tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản (đất san lấp) trái phép tại địa phương thì chủ tịch UBND xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện và pháp luật". Công văn số 211/UBND-TNMT ngày 29/2/2024 của UBND huyện Krông Búk về việc "Yêu cầu kiểm tra, phát hiện xử lý tình trạng khai thác đất san lấp mặt bằng trái phép trên địa bàn huyện"
|
Dù chính quyền địa phương đã nỗ lực trong công tác thanh tra, kiểm tra nhưng việc xử lý vi phạm hoạt động khai thác đất gặp nhiều khó khăn do nhu cầu về đất san lấp để phục vụ công tác xây dựng các công trình đầu tư xây dựng cơ bản và nhà ở của người dân trong khu vực rất lớn.
Hành vi vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi, chủ yếu khai thác, vận chuyển đất san lấp đi tiêu thụ vào ban đêm hoặc ngày cuối tuần. Trong khi đó, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ chuyên môn, lực lượng chức năng của địa phương khá mỏng nên khó nắm bắt, phát hiện.
Nhằm chấn chỉnh, xử lý các hành vi khai thác đất san lấp trái phép đang diễn ra phức tạp, UBND huyện Krông Búk đã tổ chức nhiều cuộc họp chỉ đạo về công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện.
Trong đó, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính việc khai thác đất trái phép theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, nâng cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ diện tích khoáng sản chưa đưa vào khai thác theo Quyết định số 381/QĐ-UBND ngày 22/12/2019 của UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của UBND huyện.
Đồng thời chỉ đạo Công an huyện thường xuyên tuần tra, kiểm tra khai thác vận chuyển khoảng sản (đất san lấp) khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép.
Để giải quyết tận gốc vấn đề, ông Phạm Mai Hùng, Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho hay, nhiều năm qua UBND huyện đã trình UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, cấp phép khai thác các mỏ đất đã quy hoạch trên địa bàn huyện nhưng vẫn chưa được giải quyết.
UBND huyện đề nghị các sở, ban, ngành sớm có kế hoạch tổ chức điều tra, khảo sát, thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản đã được quy hoạch và tổ chức đấu giá quyền khai thác các mỏ đất để giải quyết nhu cầu về đất san lấp làm vật liệu xây dựng cho địa phương.
Như vậy, vừa phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình trên địa bàn huyện, vừa góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, hạn chế thấp nhất các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, bảo đảm an ninh trật tự.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc