Cảnh giác với “mặt trái” của công nghệ số
Ngay từ khi những thành quả ứng dụng công nghệ số được lan tỏa vào cuộc sống, các chuyên gia công nghệ đã lên tiếng cảnh báo cộng đồng sử dụng phải hết sức lưu ý những “mặt trái” tiêu cực.
Cảnh báo ấy đến nay đã trở thành hiện thực trong một số mặt hoạt động, kinh doanh, rất cần có sự can thiệp, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng lẫn nhận thức, cảnh giác ở người tiêu dùng.
Giả trá tinh vi
Lời cảnh báo đầu tiên được một nhóm kỹ sư công nghệ số đưa ra từ năm 2003, là “công nghệ càng hiện đại, giả trá càng tinh vi”.
Hàng triệu triệu thao tác ứng dụng, kèm theo những thiết bị, phần mềm ứng dụng công nghệ diễn ra suốt 20 năm qua thực sự đang chứng minh lời cảnh báo đó.
Không ít người hào hứng tiếp cận công nghệ số về giới thiệu, quảng bá hàng hóa, vật phẩm; về tiếp thị, bán hàng trực tuyến, cho đến nay là qua mạng xã hội; về hỗ trợ thanh toán, ứng dụng thanh khoản… bởi sự nhanh gọn, chính xác, tiết kiệm và hiệu quả.
Nhưng cũng có rất nhiều người “lâm nạn” trong quá trình sử dụng ấy khi gặp phải những “bẫy đen” ứng dụng công nghệ số gây ra, dẫn đến mất mát tiền bạc, bị lừa đảo niềm tin…
Mọi người cần nâng cao cảnh giác với "mặt trái" của công nghệ số. Ảnh minh họa |
Một chuyên gia công nghệ số tại TP. Hồ Chí Minh đã tạm tổng kết “những bài học” của mình qua nhiều năm tiếp cận công nghệ số bằng hai từ “cay đắng”.
Quả thật, thế giới số từ khi biến chuyển máy tính để bàn sang ứng dụng di động, từ trang web điện tử đến trang cá nhân mạng xã hội, từ những tin nhắn qua điện thoại đến những cuộc gọi miễn phí ở Zalo, Viber…, là cả một khung trời bao la mở rộng.
Theo đuổi, học hỏi, biết cách ứng dụng, vận dụng những giải pháp bán hàng, đăng tin, thu hút người xem, sử dụng các từ khóa hấp dẫn… là lựa chọn của rất nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Những khóa học Facebook, TikTok, Youtube… cho đến hôm nay vẫn diễn ra rầm rộ và không có dấu hiệu suy giảm, dù ai cũng tưởng mình đã biết, đã hiểu, đã giỏi…
Vấn đề ở chỗ, từ trong những ứng dụng, giải pháp, kỹ thuật ứng dụng công nghệ số hóa đó, những “bàn tay đen” của các nhóm người xấu cũng len lỏi xuất hiện. Cho đến nay, nạn giả trá, lừa đảo, quấy rối… qua các công cụ công nghệ số đã thực sự bùng nổ và làm chao đảo, tổn thương biết bao nhiêu người.
Chỉ cần một chút bất cẩn trong giao tiếp, đặt đơn hàng mua rồi để lộ thông tin cá nhân; hoàn tất một giao dịch với số tài khoản thẻ gửi qua cho người bán…, là người tiêu dùng vướng ngay vào một “ma trận” lừa đảo, những đường dây trộm cắp chuyên nghiệp hết sức tinh vi. Rồi ngay cả khi liên lạc những đầu mối bán hàng để nhờ được xử lý, trả lại tiền, hay đơn hàng, người tiêu dùng lại bị nhóm lừa đảo khác tấn công, thậm chí đe dọa, uy hiếp… Tất cả có thể khiến người ta rơi vào hoảng loạn, khiếp sợ và mất luôn niềm tin với mọi thứ xung quanh.
Ba lời khuyên đối diện “mặt trái”
Một chuyên gia công nghệ ở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, không thể tránh được những vấn nạn “mặt trái” của công nghệ số, thì người tiêu dùng phải lựa chọn cách đối phó thông minh hơn, chí ít với ba lời khuyên sau.
Thứ nhất, chẳng có cái gì miễn phí, rẻ mà tốt đến từ người không quen. Cho dù đó là một cái thẻ tín dụng của ngân hàng, tự nhiên cấp phát cho người dùng, cũng phải hết sức dè dặt vì phía sau luôn có “bẫy”. Những lời mời chào rủ rê mua hàng, học tập, nhận quà… đều phải biết từ chối.
Thứ hai, chẳng nên cho biết mình là ai với những nick trực tuyến. Cho dù đó là một người bạn đã quen lâu ngày trên mạng xã hội, người dùng cũng không nên quá sức tin tưởng mà gửi thông tin cá nhân, mật khẩu tài khoản… hay lời hứa chuyển tiền nhận hàng nào. Đã có không ít người vì cả tin mà vô tình tiếp tay cho những đường dây buôn lậu, có cả ma túy…
Thứ ba, chẳng thể cả tin vào chất lượng những gì rao thổi. Đây là thực trạng hài hước nhất đối với đông đảo người tiêu dùng, khi đặt mua một món hàng nào đó qua mạng để nhận được một thứ đồ vật nhảm nhí. Gần như những người quen mua hàng trực tuyến đều quan niệm “hên xui”, bỏ tiền ra mua vật phẩm chỉ có 50/50 là đạt yêu cầu.
Dĩ nhiên, ba lời khuyên này không bao quát được hết mọi vấn đề mà công nghệ có thể dẫn đến. Nhưng về cơ bản, việc cảnh giác trước mọi lời hứa đường mật và tỉnh táo trước mọi thông tin đe dọa, uy hiếp, là cực kỳ cần thiết. Mỗi người tiêu dùng, có thể chỉ cần bấm điện thoại là có ngay địa chỉ cần mua, cần chọn, có ngay những đối tượng xưng danh hỗ trợ; thì cũng nên chú ý phải thường xuyên có hoặc có ngay bên cạnh những người bạn, nhà tư vấn thân thuộc, tín nhiệm, để liên lạc xác tín lại. Việc này cực kỳ cần thiết, nhằm giúp người tiêu dùng kịp thời “tỉnh trí” trong một bối cảnh nhất định. Có người thân, bạn bè tương tác, góp ý, nhận ra vấn đề sẽ giúp mỗi người tránh xa được nguy cơ từ “mặt trái” công nghệ số.
Những tiện ích, thuận lợi từ các giải pháp công nghệ số là điều hấp dẫn và ai cũng có thể nhìn thấy, từ đó làm cho cuộc sống có nhiều thuận lợi, tiến triển tích cực hơn. Song phía sau mọi sự việc luôn có những mảng “tối”, không nên thờ ơ, bất cẩn để “vấp” vào. Công nghệ số hiện nay đã vượt quá suy nghĩ nhiều người, thì thái độ cảnh giác, cẩn tín ở mỗi người lại càng phải nhiều hơn.
Thụy Bất Nhi
Ý kiến bạn đọc