Multimedia Đọc Báo in

Không có nền tảng công nghệ nào an toàn tuyệt đối

10:14, 09/04/2024

Dư luận mạng xã hội đang biểu lộ những lo ngại nhất định khi có thông tin mã độc đầu tiên tấn công vào hệ điều hành iOS, có thể làm nhiều điện thoại iPhone bị kẻ gian “chiếm đoạt ngầm” để cướp các tài khoản trực tuyến.

Đây là lần đầu tiên những thiết bị mang mác Apple bị tấn công, và bởi thói quen thiếu cẩn trọng vì tin tưởng vào độ an toàn của iOS, sẽ có rất nhiều người dễ gặp phiền toái.

Một thống kê chưa đầy đủ của nhóm chuyên viên công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh mới đây cho biết, có hơn 50% người dùng thiết bị di động chạy hệ điều hành iOS hoàn toàn tin tưởng vào mức độ bảo mật, an ninh của thiết bị và thờ ơ với mọi thông tin “bị tấn công”. Nhiều người còn không nhớ được mật khẩu đăng nhập vào thiết bị của mình; không biết email đăng ký tài khoản của mình là gì bởi khi mua máy, chỉ nhờ bộ phận kỹ thuật bên bán hỗ trợ tạo tài khoản. Đa phần những đối tượng này lại chính là nữ giới, các cô gái ưa thích vẻ sành điệu, tiện dụng của iPhone mà không hề có chút kiến thức nào về bảo mật, định danh…

Cần tăng cường bảo mật cho điện thoại thông minh để tránh bị lừa đảo. Ảnh: Internet

Các chuyên gia tư vấn nhìn nhận, trong thế giới công nghệ sẽ chẳng có nền tảng nào an toàn tuyệt đối cả. Có thể trong một giai đoạn, năng lực bảo mật của đội ngũ kỹ thuật, nhất là với các hệ điều hành “đóng” như iOS, là vượt hơn trình độ “bẻ khóa, ăn cắp” của những đối tượng gian lận. Song theo thời gian, cùng với sự phổ biến thiết bị, công nghệ, sẽ đến lúc có kẻ xâm nhập, tấn công được vào các thiết bị, hệ điều hành được xem là “kiên cố nhất”. Mà lúc đó, bởi hệ quả từ sự thờ ơ, thiếu phòng bị từ đầu, những người sử dụng các thiết bị bị tấn công sẽ hoàn toàn không có khả năng xử lý, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo nhóm công nghệ Group-IB (Singapore), đội ngũ phát hiện ra mã độc tấn công GoldPikaxe.iOS là phiên bản trojan đầu tiên tấn công hệ điều hành iOS, bằng cách ngụy trang thành các ứng dụng dịch vụ, thu thập dữ liệu sinh trắc học của người dùng, lợi dụng sự bất cẩn để “học” thông tin người dùng, sao chép giấy tờ, hình ảnh gương mặt… Sự nguy hiểm của mã độc này nằm ở chỗ không tấn công lộ liễu mà ngầm hoạt động trong thiết bị của nạn nhân, ngầm kiểm soát các thông tin để đến lúc cần mới đánh cắp các dữ liệu quan trọng và thực hiện hành vi cướp tài khoản trực tuyến.

Các chuyên gia công nghệ cảnh báo, thực tế mã độc này không quá nguy hiểm và người dùng có thể ngăn chặn được bằng cách cảnh giác với mọi yêu cầu, thông tin sử dụng các phần mềm, đường dẫn dịch vụ… Việc từ chối các lời mời chào, rủ rê có tính gợi cảm, hấp dẫn sẽ giúp người dùng tránh được các cạm bẫy lừa đảo. Cảnh báo này đã được giới chuyên môn nói đến rất nhiều lần. Song, với cộng đồng người dùng luôn quan niệm iOS là an toàn, thì việc tập thói quen cảnh giác là rất khó khăn.

Quan ngại hơn, theo các chuyên gia, iOS đã bị tấn công, đồng nghĩa nguy cơ mất an ninh với các thiết bị chạy hệ điều hành này sẽ ngày càng tăng. Sau mã độc đầu tiên, những kẻ xấu sẽ tiếp tục có những mã độc khác. Điều này không thể tránh khỏi và người dùng chỉ có cách tự nâng cao năng lực bảo vệ của mình để phòng bị.

Theo các chuyên gia, để tự bảo vệ mình và tăng cường bảo mật cho thiết bị iOS đang có, người dùng cần lập tức lưu ý đến ba yêu cầu:

Thứ nhất, phải kiểm tra, cập nhật lại ngay tất cả những mật khẩu, dữ liệu bảo mật, định danh, xác minh tài khoản của mình để có ngay những dữ liệu cần thiết, khi có sự cố xảy ra sẽ kịp xử lý và khai báo với các bên kỹ thuật hỗ trợ.

Thứ hai, nên cập nhật đầy đủ các phiên bản phần mềm từ nhà sản xuất, có thói quen tắt và mở lại điện thoại theo hạn kỳ để tránh những mã độc thường trú, ẩn ngầm trong điện thoại.

Thứ ba, tuyệt đối cảnh giác, tránh xa mọi lời mời chào rủ rê, từ chối mọi sự mời gọi bấm vào những đường dẫn lạ, khả nghi. Đặc biệt, khi gặp sự cố bất thường, người dùng nên liên lạc ngay những đầu mối hỗ trợ tin cậy, tuyệt đối không tiếp nhận sự hỗ trợ và hướng dẫn của người không quen biết, không làm theo những chỉ dẫn mơ hồ từ các tài khoản, đầu mối trực tuyến qua mạng.

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.