Multimedia Đọc Báo in

Không dung túng, cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam

08:28, 22/04/2024

Ngày 13/4/2024, Đài VOA Tiếng Việt đã có bài viết “Văn bút Mỹ trao giải thưởng Tự do Sáng tác Barbey cho nhà báo Phạm Đoan Trang”.

VOA đã dẫn lời của bà Suzanne Nossel, Giám đốc điều hành Văn bút Mỹ (PEN America) trong một thông báo hôm 11/4/2024 như sau: “Phạm Đoan Trang đã truyền cảm hứng cho người dân Việt Nam thông qua các bài viết về dân chủ, nhân quyền, suy thoái môi trường và trao quyền cho phụ nữ, Chính phủ Việt Nam đã đàn áp và bỏ tù bà Trang nhằm mục đích bóp nghẹt tiếng nói của bà. Bà đã hy sinh sức khỏe và sự tự do của mình để theo đuổi công lý. Bất chấp sự đàn áp của chính phủ đối với những người bất đồng chính kiến và hoạt động tích cực, những lời lẽ mạnh mẽ của bà vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho người dân trên khắp Việt Nam và trên toàn thế giới”.

Phạm Đoan Trang (tên thật là Phạm Thị Đoan Trang, SN 1978, trú phường Cát Linh, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) vốn là cái tên không xa lạ trên cộng đồng mạng, nhất là trong giới “dân chủ” có tư tưởng chống đối, chống phá Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trang được biết đến là thành viên cốt cán của Tổ chức VOICE (một tổ chức phản động lưu vong), một trong những người thành lập, vận hành trang fanpage “Nhà xuất bản Tự do”, và có mối liên hệ mật thiết với các tổ chức phản động lưu vong như “Việt Tân”.

Trang là tác giả của nhiều cuốn sách xuất bản lậu có nội dung hướng dẫn các kỹ năng và cách thức đối phó với cơ quan an ninh như: “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang truyền thông”, “Cẩm nang pháp lý dành cho các bạn hoạt động xã hội”, “Từ Facebook xuống đường”, “Bầu cử phi dân chủ ở Việt Nam”, “Phản kháng phi bạo lực”…

Trước khi bị bắt, Trang đã viết hàng trăm tài liệu có nội dung xuyên tạc, phản động; thực hiện trên 50 lượt trả lời phỏng vấn các đài báo nước ngoài; viết, tán phát 10 cuốn sách có nội dung tuyên truyền xuyên tạc dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, đả phá, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Với những hoạt động sai phạm chống phá quyết liệt, đi ngược lại lợi ích của đất nước, dân tộc và nhân dân một cách cực đoan, ngày 14/12/2021, Phạm Đoan Trang đã phải đối mặt với bản án thích đáng, nghiêm minh 9 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại Điều 88, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Thông tin về việc Văn bút Mỹ trao giải cho Phạm Đoan Trang. Ảnh chụp từ mạng xã hội Facebook

Ngay cả khi đã bị bắt giữ, cho đến nay Phạm Đoan Trang vẫn được các tổ chức chính trị bên ngoài cổ súy, tô hồng bằng những giải thưởng như: giải tự do truyền thông của Bộ Ngoại giao Canada và Anh, các giải thưởng về phụ nữ can đảm, giải tự do báo chí quốc tế, giải Martin Ennals… Có rất nhiều đòi hỏi phi lý đòi phóng thích Phạm Đoan Trang của các tổ chức ở nước ngoài, trong đó có Bộ Ngoại giao Mỹ, song đến nay Phạm Đoan Trang vẫn đang chấp hành án trong trại giam, phải trả giá cho những vi phạm pháp luật ngông cuồng của mình. Điều đó thể hiện quan điểm kiên quyết của các cơ quan chức năng Việt Nam: những kẻ phạm tội cần bị nghiêm trị trước pháp luật để làm gương cho những người khác.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam là phấn đấu bảo đảm và thúc đẩy ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân, trong đó có tự do ngôn luận, tự do báo chí đã ghi rõ trong Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam, và thực tế minh chứng trên mọi mặt của đời sống xã hội.

Song, mỗi công dân khi thực thi các quyền phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, bất kỳ hành vi nào lợi dụng quyền tự do của bản thân mình để xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đều phải chịu xử lý, nhằm xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, ổn định, phát triển đất nước.

Đây cũng là tiền đề quan trọng để thúc đẩy, phát huy và bảo đảm các giá trị về quyền con người tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực tham gia phối hợp với các tổ chức khu vực và quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy các giá trị dân chủ, nhân quyền.

Ngày 9/4/2024, Việt Nam được Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hiệp quốc (ECOSOC) nhất trí bầu vào Hội đồng chấp hành Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025 - 2027.

Với vai trò là thành viên, Việt Nam sẽ tham gia điều phối việc xây dựng và triển khai các định hướng lớn của UN Women, bảo đảm các chiến lược và hoạt động của UN Women nhất quán với các mục tiêu và chính sách tổng thể của Liên hiệp quốc về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Ngô Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.