Multimedia Đọc Báo in

Xóa bỏ “điểm đen” tai nạn giao thông: Cần giải pháp đồng bộ

09:25, 14/04/2024

Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, công tác xóa bỏ “điểm đen” tai nạn giao thông (TNGT) cũng được xem là một trong những giải pháp góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT).

Theo thống kê, mạng lưới giao thông toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 19.700 km, bao gồm các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã và hệ thống đường giao thông nông thôn. Nhìn chung, hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại của tỉnh phát triển đồng bộ, liên hoàn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông, tăng cường khả năng liên kết, mở rộng thị trường, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Cùng việc quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã tập trung rà soát, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan thống kê thực trạng các vị trí hư hỏng, phức tạp giao thông, từ đó, lựa chọn phương án khắc phục hợp lý, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Cụ thể, tỉnh đã triển khai kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, đã triển khai nhiều biện pháp giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về hành lang an toàn đường bộ, vỉa hè, đường phố tại các địa bàn phức tạp về trật tự công cộng.

Lực lượng Cảnh sát giao thông phân luồng, hướng dẫn giao thông tại hiện trường một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Hằng năm, Sở Giao thông vận tải thực hiện tốt công tác duy tu, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm khắc phục “điểm đen”, điểm mất ATGT trên đường bộ; bổ sung các biển báo, cọc tiêu bị mất, bị mờ và phát quang các đoạn đường bị che khuất trên các tuyến, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Ban ATGT tỉnh cũng đã chủ động, phối hợp với các đơn vị liên quan làm tốt công tác phối hợp nắm tình hình, khảo sát các "điểm đen", điểm phức tạp, tiềm ẩn ảnh hưởng, tác động đến TTATGT trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện những bất hợp lý về tổ chức giao thông, hệ thống biển báo hiệu đường bộ... Qua đó, kiến nghị cơ quan chức năng khắc phục những bất hợp lý, đảm bảo giao thông được an toàn, thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Qua công tác tuần tra kiểm soát, điều tra xử lý TNGT, lực lượng cảnh sát giao thông cũng phát hiện và đề nghị các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý nhiều vị trí, điểm tiềm ẩn TNGT. Đơn cử như trong năm 2023, qua công tác điều tra, giải quyết TNGT trên tuyến đường vành đai phía Tây TP. Buôn Ma Thuột, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã phát hiện một vị trí nguy hiểm mất ATGT tại ngã tư đường Phan Bội Châu - Nguyễn Thị Định với đường 10/3, 30/4 (đường vành đai phía Tây thành phố). Số liệu thống kê cho biết, trong năm 2022, tại đây đã xảy ra hai vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết hai người. Phòng đã kịp thời đề nghị Ban ATGT tỉnh, Sở Giao thông vận tải và UBND TP. Buôn Ma Thuột quan tâm, chỉ đạo xử lý “điểm đen” TNGT tại giao lộ nêu trên.

Mới đây, tại buổi làm việc với tỉnh Đắk Lắk về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT, ông Nguyễn Phi Thường, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội – thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, xóa bỏ “điểm đen” TNGT là công tác phải triển khai thường xuyên, liên tục và cần giải pháp đồng bộ. Do đó, tỉnh Đắk Lắk cần rà soát, cập nhật các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn mất ATGT, có kế hoạch và bố trí nguồn lực tài chính ngân sách để thực hiện xóa bỏ các vị trí này theo định kỳ hằng năm.

UBND tỉnh cho biết, trong 15 năm (2009 - 2023), ngành chức năng của tỉnh đã tiến hành khảo sát, phát hiện, lập hồ sơ, kiến nghị xóa bỏ 48 điểm có nguy cơ mất an toàn giao thông. Qua đó, bổ sung hàng trăm biển báo, vạch kẻ đường, đến nay đã được các cơ quan chức năng khắc phục. Riêng Sở Giao thông vận tải đã tổ chức triển khai xử lý hoàn thành 15 “điểm đen”, với kinh phí gần 20 tỷ đồng.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.