Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác lừa đảo đưa người lao động đi làm việc ở Australia

08:26, 30/06/2024

Những năm qua, công tác đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (còn gọi là xuất khẩu lao động) đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, lợi dụng chủ trương này, nhiều đối tượng đã mạo danh cơ quan, tổ chức để lừa đảo…

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 700 NLĐ được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thị trường xuất khẩu lao động chủ yếu là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Rumani, Ba Lan…

Với mức thu nhập bình quân từ 25 - 30 triệu đồng/người/tháng đã giúp cho đời sống kinh tế của các gia đình có người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) được cải thiện đáng kể. Đồng thời, việc đi XKLĐ cũng là môi trường thực tiễn để NLĐ rèn luyện tay nghề, hoàn thiện kỹ năng sau khi hết hợp đồng trở về nước.

Người dân huyện Lắk tìm hiểu thông tin về xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên, thời gian qua, lợi dụng tâm lý “nôn nóng”, muốn nhanh chóng đi XKLĐ và sự thiếu hiểu biết về pháp luật của một bộ phận NLĐ, một số cá nhân, tổ chức mạo danh để lừa đảo, tuyển dụng NLĐ đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường có thu nhập cao như Australia, Canada…

Mới đây, lợi dụng việc Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia ký kết Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo Chương trình PALM (the Pacific Australia Labour Mobility), đã xuất hiện một số tổ chức, cá nhân mạo danh là được Bộ LĐ-TB&XH và phía Australia lựa chọn để tuyển chọn, thu tiền của NLĐ trái quy định của pháp luật, có nguy cơ mất an ninh, trật tự tại một số địa phương.

Đơn cử như vào ngày 25/4, Công an tỉnh Bắc Kạn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Đoàn Đắc Trung (SN 1975, trú huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, vào tháng 6/2023, chị H.T.P. (trú huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) thấy tài khoản Zalo “Duc Trung” có đăng tải thông tin tuyển dụng lao động sang Australia làm việc với thu nhập cao nên đã liên hệ để đăng ký. Trung đưa ra thông tin có người nhà ở Australia, cần tuyển dụng lao động để làm việc tại các trang trại của gia đình với mức thu nhập từ 50 - 60 triệu/tháng. Số tiền phí phải trả là 50 triệu đồng/người. Do tin tưởng nên chị P. cùng 9 người khác đều trú huyện Ba Bể đã đăng ký và chuyển cho đối tượng tổng số tiền 500 triệu đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hẹn làm thủ tục xuất cảnh, đối tượng đã chặn liên lạc nên chị P. đã trình báo cơ quan công an.

Người dân huyện M'Drắk tìm hiểu thông tin về xuất khẩu lao động.

Để ngăn ngừa tình trạng này, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Công văn số 2045/BLĐTBXH-CQLLĐNN, ngày 16/5/2024 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp thông tin để ngăn chặn tình trạng lừa đảo đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Australia trong ngành nông nghiệp. Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đang phối hợp lựa chọn doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện tham gia vào Chương trình PALM. Những đơn vị này thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, cung cấp thông tin về chương trình đến NLĐ, hướng dẫn doanh nghiệp và NLĐ làm thủ tục hồ sơ xin cấp thị thực vào Australia làm việc, tổ chức khóa đào tạo miễn phí trước khi xuất cảnh. Bộ LĐ-TB&XH và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam sẽ thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để các doanh nghiệp dịch vụ, NLĐ đủ điều kiện đăng ký tham gia.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận vụ việc nào liên quan đến tình trạng lừa đảo đưa lao động đi làm việc tại Australia. Song, để bảo đảm quyền lợi của người dân có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài và ngăn chặn tình trạng lợi dụng thông tin về chương trình để lừa đảo, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành Công văn số 1073/SLĐTBXH-LĐVLGDNN, ngày 17/5/2024 đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền, thông tin tới người dân về việc không đăng ký theo bất kỳ tổ chức, cá nhân nào (bao gồm cả các cá nhân, tổ chức tự nhận là đại diện chủ sử dụng lao động tại Australia).

Để tránh bị lừa đảo đi lao động nông nghiệp ở Australia nói riêng và xuất khẩu lao động nói chung, ông Nguyễn Quang Thuân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khuyến cáo NLĐ tuyệt đối không tin vào các thông tin mời chào, hứa hẹn hỗ trợ làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài trên các website, trang Facebook, Zalo không chính thống. Khi có nhu đi làm việc ở nước ngoài cần đăng ký tại các địa chỉ uy tín thông qua Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện, Trung tâm Dịch vụ việc làm. Nếu qua doanh nghiệp dịch vụ thì phải là doanh nghiệp được cấp giấy phép của Bộ LĐ-TB&XH (tra cứu doanh nghiệp qua trang website: www.dolab.gov.vn). Trong trường hợp người lao động cần tư vấn, cung cấp thêm thông tin hoặc phản ánh thông tin về các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo, đề nghị liên hệ cơ quan công an gần nhất hoặc Công an tỉnh.

Duy Tiến - Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc