Multimedia Đọc Báo in

Chuyển điểm, đổi cơ sở đào tạo lái xe có được không?

09:01, 04/08/2024

Chuyển điểm, đổi trường là chuyện bình thường với mọi cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân, tuy nhiên lại không thể thực hiện được theo các quy định về đào tạo lái ô tô hiện hành, bao gồm học một nơi, đăng ký sát hạch nơi khác.

Hiện nay, trong đào tạo trình độ sơ cấp nói chung, mà lái xe ô tô là một thành phần, người học được chuyển đổi cơ sở đào tạo theo nhu cầu của bản thân. Điều kiện để thực hiện việc này là: (1) có đơn đề nghị thay đổi cơ sở đào tạo kèm theo hồ sơ theo quy định của nơi chuyển đến; (2) nơi chuyển đến có nghề đào tạo đang học; (3) không đang trong thời gian bị kỷ luật hoặc thời gian bị xem xét kỷ luật và (4) được cả hai cơ sở chuyển đi và chuyển đến đồng ý.

Đào tạo lái xe tại Trownfg TRuhg cấp Tây Ngyên
Đào tạo lái xe tại Trường Trung cấp Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh minh họa: Nguyên Hoa 

Việc công nhận kết quả học tập trước đó của người học sẽ do người đứng đầu nơi chuyển đến quyết định, căn cứ vào chương trình đào tạo của hai cơ sở.

Tuy nhiên, với đào tạo lái xe ô tô, người học sẽ không được chuyển cơ sở đào tạo, không được công nhận kết quả học tập trước đó dù ở trình độ cao hơn và chỉ được đăng ký sát hạch từ nơi mà mình học, trừ trường hợp sát hạch cấp lại giấy phép lái xe (GPLX) do vi phạm pháp luật.

Theo quy định, sau khi khai giảng không quá 7 hoặc 15 ngày tùy theo hạng GPLX, cơ sở đào tạo phải lập báo cáo đăng ký sát hạch lái xe, danh sách học viên (báo cáo 1) nộp cơ quan quản lý nhà nước và truyền dữ liệu qua hệ thống thông tin GPLX. Báo cáo này sau đó phải được trưởng cơ quan quản lý sát hạch kiểm tra, ký tên vào từng trang. Trước kỳ sát hạch 7 ngày làm việc, cơ sở đào tạo phải gửi báo cáo đề nghị tổ chức sát hạch lái xe kèm danh sách thí sinh dự sát hạch (báo cáo 2) cùng cách thức với báo cáo 1. Người học phải có tên trên báo cáo 1 và báo cáo 2 của cùng một cơ sở đào tạo, cùng gửi cho một cơ quan quản lý sát hạch. Như vậy, nếu người học chuyển cơ sở đào tạo thì sẽ không thể dự sát hạch cấp GPLX bởi quy định này.

Tương tự, trường hợp người học đã hoàn thành chương trình và được cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ thì cũng không thể dùng chứng chỉ này để đăng ký sát hạch bất cứ đâu ngoài chỗ mà cơ sở đào tạo mình đăng ký.

Quy định đào tạo lái xe ô tô hiện hành cũng buộc người học phải tham dự và hoàn thành đầy đủ các môn học, bất kể người đó đã được học và công nhận trước đó ở cùng trình độ hoặc cao hơn, bất kể năng lực cá nhân của người học.

Chẳng hạn, kỹ sư công nghệ ô tô vẫn phải học môn Cấu tạo và sửa chữa thông thường, cử nhân luật vẫn phải học Pháp luật giao thông đường bộ. Hay bác sĩ, điều dưỡng, y tá vẫn phải học và kiểm tra nội dung sơ cấp cứu. Hay dù người học có năng lực cá nhân cao hơn hoặc đã có kinh nghiệm trước đó thì vẫn phải học đủ số giờ, chạy đủ số ki lô mét như những người khác mới đủ điều kiện sát hạch lái xe.

Trong khi đó, chỉ cần là kỹ sư công nghệ ô tô hoặc cử nhân luật là đủ điều kiện về chuyên môn để dạy hết 5 môn lý thuyết lái xe. Đồng thời, pháp luật quy định người học “được công nhận để xem xét về giá trị chuyển đổi cho môn học hoặc tín chỉ, mô-đun tương ứng trong chương trình giáo dục khác” (khoản 4 Điều 8 Luật Giáo dục 2019) và “được học vượt lớp, học rút ngắn thời gian thực hiện chương trình” (khoản 3 Điều 83 Luật Giáo dục 2019).

Tóm lại, các quy định về đào tạo lái xe nêu trên không những trái với pháp luật giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của người học. Do đó, rất cần phải thay đổi, hoàn thiện.

Mặt khác, với hệ thống thông tin GPLX hiện nay, việc công nhận và chuyển đổi kết quả học tập, cũng như chuyển đổi cơ sở đào tạo, tự chọn cơ sở sát hạch là hoàn toàn thực hiện được. Điều này không những tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho người học mà còn mang lại lợi ích cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo.

Chuyển đổi số đã và đang là xu hướng trong toàn xã hội và ngày càng phát triển. Chuyển đổi số trong đào tạo lái xe trước tiên cần bắt đầu từ công tác quản lý, từ cơ quan nhà nước đến cơ sở đào tạo và thống nhất trên toàn quốc.

Nguyễn Xuân Trung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.