Nhiều khó khăn trong thi hành án hành chính
Thời gian qua, công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính (THAHC) trên địa bàn tỉnh tuy đã có bước chuyển biến, nhưng trên thực tế vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Vụ việc phát sinh tăng, kết quả thi hành chưa cao
Theo số liệu của UBND tỉnh, trong năm 2023 (từ ngày 1/10/2022 - 30/9/2023), toàn tỉnh có 321 vụ việc khiếu kiện liên quan đến các quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND và UBND các cấp.
Trong số đó thì chỉ có 49/321 vụ việc có chủ tịch UBND các cấp (hoặc người đại diện) tham gia phiên đối thoại; 15/321 vụ việc có chủ tịch UBND các cấp (hoặc người đại diện) tham gia phiên tòa; thực hiện cung cấp tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của tòa án đối với 313/321 vụ việc.
Trong năm, tổng số bản án, quyết định phải thi hành là 105 bản án, trong đó đã tổ chức thi hành xong 53 bản án, quyết định, còn 68 bản án, quyết định chưa thi hành xong.
Viện KSND Cấp cao tại Đà Nẵng làm việc với UBND tỉnh nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án hành chính. |
Chỉ tính trong 10 tháng năm 2024 (từ ngày 1/10/2023 - 31/7/2024), toàn tỉnh có 201 vụ việc khiếu kiện liên quan đến các quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND, UBND các cấp và các sở, ngành.
Trong tổng số 201 quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện thì chỉ có 12 vụ việc có người đại diện hoặc người được ủy quyền tham gia phiên đối thoại; còn lại 189 vụ việc có người đại diện hoặc người được ủy quyền không tham gia phiên tòa.
Tính đến ngày 31/7/2024, tổng số bản án, quyết định phải thi hành là 203 bản án, trong đó đã tổ chức thi hành xong 60 bản án, quyết định, còn 143 bản án, quyết định chưa thi hành xong. Điều này cho thấy, số vụ khiếu kiện hành chính phát sinh mới nhiều, theo xu hướng năm sau cao hơn năm trước với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp.
Cần giải pháp tháo gỡ
Ông Bùi Công Mười, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho biết: Công tác THAHC đã được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện và có những bước chuyển biến tích cực so với những năm trước đây.
Điển hình như UBND tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành của tỉnh và UBND cấp huyện nghiêm túc thi hành các bản án hành chính; tổ chức họp tổ công tác tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh nhằm đề ra các giải pháp cụ thể giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với từng bản án hành chính còn tồn đọng theo Kết luận số 499/BTP-ĐKTLN, ngày 17/2/2023 của đoàn kiểm tra liên ngành (Bộ Tư pháp).
Hay như mới đây, Viện KSND Cấp cao tại Đà Nẵng cũng đã làm việc với UBND tỉnh nhằm tìm hiểu tình hình thực tế, trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức THAHC trên địa bàn tỉnh, nhất là lĩnh vực quản lý đất đai thường dẫn đến khiếu kiện…
Cán bộ, kiểm sát viên Phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Viện KSND tỉnh) cùng trao đổi nghiệp vụ. |
UBND tỉnh cần sớm tiến hành sơ kết, tổng kết công tác THAHC trên địa bàn tỉnh để đánh giá kết quả, tìm ra nguyên nhân, cũng như đề ra các giải pháp khả thi để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới” - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bùi Công Mười. |
Tuy nhiên, theo ông Bùi Công Mười, qua thực tế theo dõi thi hành các bản án hành chính cho thấy kết quả THAHC vẫn chưa cao; án hành chính tồn đọng vẫn nhiều; quá trình thi hành các bản án, quyết định hành chính vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập.
Khó khăn đầu tiên, do Đắk Lắk là tỉnh có diện tích tự nhiên rộng, một phần do “lịch sử” để lại nên công tác quản lý, quy hoạch, sử dụng đất trước đây chưa được chặt chẽ, khoa học và đồng bộ; một số trường hợp trước đây có quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất chưa thực hiện đúng quy trình, chưa chính xác dẫn đến tranh chấp, đương sự khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án ngày càng nhiều, tạo áp lực lớn cho các cơ quan nhà nước trong việc THAHC.
Nhiều bản án bên bị kiện là UBND các cấp hoặc các sở, ngành nhưng không tham gia phiên tòa để đối thoại, cung cấp chứng cứ; khi bản án có hiệu lực pháp luật thi hành thì người bị kiện không đồng tình với phán quyết của tòa án nên đã có đơn yêu cầu giám đốc thẩm, tòa án đã thụ lý giải quyết nhưng không có yêu cầu hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành án dẫn đến số lượng án hành chính tồn nhiều, khó thi hành trên thực tế…
Bên cạnh đó, trong các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính, người phải thi hành án là cơ quan nhà nước hoặc người đứng đầu cơ quan nhà nước, việc thi hành án chủ yếu còn phụ thuộc vào “tính tự giác” của cơ quan hoặc người đứng đầu cơ quan này, nên việc áp dụng các chế tài theo Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, ngày 1/7/2016 của Chính phủ đối với các cơ quan, tổ chức chậm thi hành trên thực tế cũng chưa triệt để, khó thực hiện…
Để từng bước tháo gỡ những khó khăn trong công tác THAHC, ông Bùi Công Mười cho rằng, UBND tỉnh cần chỉ đạo UBND các cấp định kỳ hằng quý thông báo kết quả thi hành các vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật tới UBND tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh để chỉ đạo và thực hiện chức năng theo dõi THAHC.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn nữa trong công tác thi hành các bản án, quyết định hành chính của tòa án; kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án chậm thi hành án, không chấp hành án, chấp hành không đúng, hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của tòa án…
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc