Multimedia Đọc Báo in

Phòng, chống tệ nạn ma túy trong vùng dân tộc thiểu số ở Ea H’leo

09:56, 25/08/2024

Những năm gần đây, công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy ở huyện Ea H’leo đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Các giải pháp đồng bộ và quyết liệt không chỉ giúp giảm thiểu tệ nạn ma túy, mà còn góp phần bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chuyển hóa địa bàn

Thôn 9 và thôn 11 (xã Cư Mốt) có khoảng 400 hộ dân (chủ yếu là người Tày và Nùng), từng là “điểm nóng” về ma túy. Theo ông Bùi Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Cư Mốt, do đời sống khó khăn, cùng với thói quen hút thuốc phiện từ trước, một số người dân đã chuyển sang mua bán và sử dụng các loại ma túy tổng hợp như heroin, dẫn đến nhiều hệ lụy về ANTT và các vấn nạn xã hội khác.

Công an xã Cư Mốt gặp gỡ thanh niên người dân tộc thiểu số để tuyên truyền về tác hại của ma túy.

Từ năm 2019, khi lực lượng công an chính quy được điều động về xã Cư Mốt, tình hình ANTT đã có những chuyển biến tích cực. Mỗi năm, địa phương đã lập danh sách đưa trên 10 người đi cai nghiện bắt buộc; nhiều vụ mua bán, tàng trữ ma túy trên địa bàn đã bị phát hiện và triệt phá, ngăn chặn kịp thời. Lực lượng công an xã đã tham mưu cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến từng người dân thông qua các buổi họp thôn, loa phát thanh, băng rôn, mạng xã hội… Ngoài ra, sự phối hợp với các hội, đoàn thể và ban tự quản thôn trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được tăng cường thông qua các mô hình như: “Gia đình không ma túy”, “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình” và “Camera an ninh”.

Nhờ các biện pháp quyết liệt, tình hình ANTT tại thôn 9 và 11 nói riêng, cũng như toàn xã Cư Mốt nói chung đã có những cải thiện đáng kể. Số người nghiện giảm dần, tội phạm ma túy được kiểm soát; đời sống người dân ổn định hơn, các tệ nạn xã hội như trộm cắp và bạo lực cũng giảm thiểu.

Xã Ea Sol cũng từng là nơi mà tệ nạn ma túy len lỏi trong cuộc sống của người dân, đặc biệt là trong vùng đồng bào DTTS. Nằm ở vị trí giáp ranh tỉnh Gia Lai, Ea Sol tiềm ẩn nhiều nguy cơ về việc vận chuyển và tụ tập sử dụng ma túy. Tuy nhiên, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã giúp triển khai hiệu quả các kế hoạch phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm ma túy.

Trung tá Nguyễn Hồng Thăng, Trưởng Công an xã Ea Sol cho biết, từ năm 2017, xã đã triển khai dự án “Xây dựng xã không có tệ nạn ma túy”, đây là giải pháp quan trọng để ngăn chặn tình trạng tội phạm ma túy. Công an xã đã chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh và ngăn chặn tội phạm và tệ nạn ma túy. Các biện pháp này đều có trọng tâm, trọng điểm, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể và sự tham gia của người dân.

Việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về tội phạm và tệ nạn ma túy cũng được đẩy mạnh, đặc biệt đối với các nhóm nguy cơ cao như thanh thiếu niên, học sinh và đồng bào DTTS. Công tác kiểm tra hành chính và giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà nghỉ, nhà trọ cũng được thực hiện chặt chẽ nhằm ngăn chặn các hoạt động liên quan đến ma túy... Đến nay, trên địa bàn xã không còn tụ điểm mua bán, tàng trữ ma túy; có 6 đối tượng nghiện đều đã được đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Đẩy mạnh tuyên truyền và quyết liệt đấu tranh

Theo đánh giá của Công an huyện Ea H’leo, tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Các đối tượng thường sử dụng mạng xã hội để liên lạc, mua bán ma túy. Thủ đoạn vận chuyển chủ yếu là ký gửi ma túy trên các phương tiện vận tải đường bộ, cất giấu trong hàng hóa và sử dụng họ tên, địa chỉ giả, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Công an xã Ea Wy (huyện Ea H'leo) gặp gỡ, nắm bắt tâm tư của người mới cai nghiện ma túy trở về.

Thượng tá Phùng Minh Trí, Trưởng Công an huyện Ea H’leo cho biết, để đấu tranh hiệu quả, công tác tuyên truyền được xác định là giải pháp then chốt và lâu dài. Hằng năm, lực lượng công an huyện tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy cho thanh thiếu niên, quần chúng nhân dân, đặc biệt tại các trường học, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào DTTS. Các bài viết về đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy cũng được đăng tải trên các trang mạng xã hội của huyện và xã, giúp nâng cao nhận thức của người dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an huyện Ea H’leo đã khởi tố 26 vụ với 32 bị can phạm tội về ma túy, lập 64 hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa đi cai nghiện bắt buộc, và đưa 46 đối tượng nghiện ma túy vào trung tâm cai nghiện bắt buộc của tỉnh. Hiện tại, huyện đang quản lý 58 người nghiện trên địa bàn. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ triệt phá tội phạm ma túy đã tăng lên đáng kể, thu giữ nhiều loại ma túy khác nhau như heroin, methamphetamine và ketamine.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.