Vi phạm tốc độ - Nhìn từ các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng
Vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra trên địa bàn huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông là bài học đắt giá cho những người điều khiển phương tiện không tuân thủ quy định về tốc độ cho phép khi tham gia giao thông.
Thực tế cho thấy, lái xe với tốc độ càng cao thì khả năng xảy ra va chạm giao thông càng lớn, hậu quả càng nghiêm trọng, song nhiều lái xe vẫn chủ quan và không chấp hành quy định.
Trong khi đó, mặc dù quy định về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để giám sát tài xế, nhân viên trên xe và toàn bộ hoạt động của phương tiện được ban hành, song nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn chưa nghiêm túc áp dụng, dẫn đến tài xế của đơn vị vi phạm mà không biết hoặc biết nhưng không nhắc nhở.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn tỉnh do tài xế chạy xe với tốc độ cao, không làm chủ tay lái. |
Đơn cử như vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng nói trên xảy ra trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) khiến 3 người tử vong, 8 căn nhà bị sập. Qua trích xuất dữ liệu từ Cục đường bộ Việt Nam cho thấy, xe đầu kéo gây ra vụ tai nạn chạy với vận tốc 84 km/giờ. Tốc độ này vượt 40% so với tốc độ cho phép ở đoạn đường này (60 km/giờ). Dữ liệu cũng cho thấy xe đầu kéo tăng tốc rất nhanh trong thời gian ngắn trước khi xảy ra tai nạn.
Còn nhớ vào hồi tháng 2/2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng xảy ra một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do tài xế điều khiển xe 16 chỗ ngồi vi phạm tốc độ, chở quá số người quy định dẫn tới làm 10 người tử vong, 11 người khác bị thương.
Báo cáo từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, trên 80% các vụ TNGT nghiêm trọng đều có nguyên nhân từ việc tài xế chạy quá tốc độ, không làm chủ tốc độ. Cũng theo thống kê của cơ quan này, 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 2.136.205 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 450.688 trường hợp; trong đó có 501.009 trường hợp chạy quá tốc độ cho phép (chiếm 20,19%), đây là hành vi chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nhóm hành vi vi phạm bị xử lý. Tại tỉnh Đắk Lắk, thời gian này lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 12.464 trường hợp vi phạm tốc độ (chiếm hơn 35% tổng số hành vi vi phạm), tăng 5.544 trường hợp so với cùng kỳ năm trước.
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra phương tiện lưu thông trên đường Hồ Chí Minh. |
Những con số đó nói lên một thực tế rất đáng báo động về tình trạng vi phạm tốc độ ở người điều khiển phương tiện. Hành vi này là một trong năm nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây TNGT, nhất là những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Bởi việc điều khiển phương tiện lưu thông với tốc độ cao sẽ hạn chế khả năng xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra.
Việc làm chủ tốc độ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ giúp người điều khiển phương tiện dễ xử lý tình huống bất ngờ mà còn hạn chế được tai nạn nghiêm trọng. Do vậy, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, lực lượng chức năng, bản thân người điều khiển phương tiện cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về tốc độ, đừng để “Nhanh một phút, chậm cả đời”.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc