Multimedia Đọc Báo in

Giữ bình yên xóm làng

08:36, 08/10/2024

Tại hội nghị biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên, giai đoạn 2018 – 2024 do Bộ Công an tổ chức vừa qua, thôn 17 (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) đã vinh dự được biểu dương vì có nhiều thành tích xuất sắc.

Ông Bùi Văn Kỳ, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 17 cho hay, ít ai biết rằng, trước khi trở thành “Khu dân cư an toàn bình yên, không có tội phạm và tệ nạn”, thôn 17 từng là địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự (ANTT). Đa số dân cư của thôn từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi đến sinh sống, mặt bằng dân trí không đồng đều, địa bàn thôn giáp ranh với huyện Krông Pắc và TP. Buôn Ma Thuột nên các đối tượng từ nơi khác đến lợi dụng để lẩn trốn và tiến hành các hoạt động phạm tội, tình hình hoạt động của các loại tội phạm với các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt là những nguyên nhân chính khiến tình hình ANTT phức tạp kéo dài.

Các tập thể, cá nhân của thôn 17, xã Ea Ning nhận khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở.

Trước những diễn biến phức tạp ấy, năm 2014 mô hình “Khu dân cư an toàn, bình yên không tội phạm và tệ nạn xã hội” thôn 17, Ea Ning ra mắt và đi vào hoạt động. Qua 10 năm triển khai xây dựng mô hình điểm, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, ban chỉ đạo mô hình đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập 5 tổ an ninh nhân dân với 35 thành viên, tổ trưởng, tổ phó là những người có uy tín trong thôn, xóm.

Cứ đều đặn 22 giờ hằng ngày, các thành viên của tổ không quản nắng mưa, lặn lội trên các nẻo đường thôn, xóm. Trong các buổi tuần tra đó, các thành viên tổ tự quản về ANTT, tổ an ninh nhân dân, tổ thanh niên xung kích đã phát hiện, nhắc nhở 17 nhóm thanh niên tụ tập quá giờ quy định, giải tán 19 nhóm thanh niên chuẩn bị gây rối trật tự công cộng... Từ đó, thông qua gia đình để vận động, nhắc nhở và quản lý không để thanh thiếu niên trên địa bàn vi phạm pháp luật và ký cam kết không vi phạm pháp luật.

Chia sẻ với những đóng góp thầm lặng của lực lượng tự quản, tiểu ban chỉ đạo mô hình đã vận động bà con đóng góp từ 20.000 đồng - 30.000 đồng/hộ/năm để  duy trì mô hình và trang bị mua sắm kẻng an ninh, đèn pin, công cụ hỗ trợ cho các tổ an ninh nhân dân. Người dân cũng đầu tư kinh phí lắp đặt hệ thống điện đường chiếu sáng, tăng cường bảo đảm an ninh thôn xóm, nhất là khi trời tối.

Người dân thôn 17, xã Ea Ning ký cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật.

Từ những nỗ lực chung của nhân dân, đến nay thôn 17 thực sự đã bình yên và an toàn, không xảy ra vụ án nghiêm trọng, quần chúng nhân dân đã nâng cao ý thức pháp luật, người dân tích cực tham gia xây dựng mô hình điểm gắn với xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua khác. “Thành công nào cũng đi liền khó khăn, nhưng may mắn là trong quá trình triển khai mô hình người dân trong thôn ai cũng ủng hộ. Thế trận lòng dân chính là nhân tố quan trọng, trên dưới đồng lòng hưởng ứng chung tay đẩy lùi các loại tội phạm về tệ nạn xã hội ngay từ thôn, buôn”, ông Bùi Văn Kỳ chia sẻ.

Theo đánh giá của Thượng tá Y Thu Êban, Phó Trưởng Công an huyện Cư Kuin, những năm qua, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn huyện Cư Kuin đã có sự phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Đặc biệt, mô hình “Khu dân cư an toàn, bình yên không tội phạm và tệ nạn xã hội” tại thôn 17, xã Ea Ning đã đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân, phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân trong công tác bảo đảm ANTT.

Từ hiệu quả hoạt động mô hình này, huyện đã triển khai nhân rộng đến 7 xã còn lại. Đây cũng là địa phương được Bộ Công an đánh giá là một trong những điểm sáng về mô hình ANTT cần được nhân rộng.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.