Multimedia Đọc Báo in

Hệ lụy từ “ma men”

08:13, 13/10/2024

Tình trạng lạm dụng rượu, bia đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội. Sử dụng rượu, bia quá mức khiến một số người không kiềm chế, kiểm soát được hành vi, gây ra những vụ tai nạn thương tâm và nhiều hệ lụy khác...

Theo kết quả điều tra của Tổ chức Y tế thế giới, rượu, bia đứng thứ 5 trong số 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh mạn tính. Còn tại Việt Nam, rượu, bia là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu do tai nạn giao thông (TNGT).

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, Việt Nam xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu, bia/người. Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành. Đáng lưu ý, tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, nhất là ở nam giới. Cứ 3 nam giới thì có 1 người uống ở mức nguy hại.

Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự (Công an TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện.

Thời gian qua, dù lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý rất nghiêm hành vi vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, tình trạng người điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia vẫn diễn ra khá phổ biến. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh đã phát hiện, xử lý hơn 13.600 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng gần 5.000 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cho thấy, hằng ngày, hằng giờ trên các tuyến đường, tình trạng người điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia vẫn diễn ra phổ biến.

Vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên Tỉnh lộ 2, đoạn qua địa bàn huyện Krông Ana giữa 2 xe máy khiến 4 người ngồi trên 2 xe tử vong tại chỗ liên quan đến nồng độ cồn là một minh chứng. Qua xác minh của cơ quan chức năng trong số 4 nạn nhân của vụ tai nạn này có đến 3 trường hợp có nồng độ cồn trong máu.

Còn nhớ vào hồi tháng 4/2023, vụ TNGT xảy ra trên địa bàn huyện Cư Kuin giữa 2 xe máy cũng khiến 2 người đàn ông tử vong tại chỗ. Được biết, trước thời điểm xảy ra tai nạn, cả hai nạn nhân đều đã sử dụng rượu, bia tại bữa tiệc của người thân ở địa phương.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tuyên truyền cho tài xế xe khách chấp hành quy định của pháp luật về giao thông.

Tình trạng điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu bia, không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, mà còn dẫn tới hệ lụy không làm chủ được hành vi, thậm chí chống đối người thi hành công vụ. Đơn cử như sự việc một người đàn ông trú tại xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) bị lực lượng chức năng tạm giữ hình sự do có hành vi chống đối người thi hành công vụ vào hồi tháng 4/2024. Thông tin ban đầu cho biết, quá trình lưu thông trên tuyến Quốc lộ 27, khi gặp một tổ tuần tra, kiểm soát của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) thay vì chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn, người đàn ông này lại có hành vi chống đối, dùng tay đấm vào mặt và dùng người húc vào cán bộ làm nhiệm vụ. Sau đó, tại cơ quan công an, người đàn ông khai nhận sau khi uống bia với bạn tại TP. Buôn Ma Thuột thì chạy xe máy về nhà ở huyện Cư Kuin.

Quy định về xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện được áp dụng từ nhiều năm nay, với các mức phạt rất cao nhằm tăng tính răn đe đối với hành vi này. Cụ thể, tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020, việc tăng mức xử phạt đối với lái xe có nồng độ cồn đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong nhận thức mỗi người dân, sau đó được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP. Song thực tế, không ít người vì thói quen, vì tâm lý thờ ơ, coi thường tính nghiêm minh của pháp luật, coi thường chính tính mạng của bản thân mình và người xung quanh vẫn cố chấp điều khiển phương tiện sau khi đã “chén chú chén anh”.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.