Cảnh giác với các chiêu trò lừa gạt gia tăng
Ngày càng xuất hiện nhiều chiêu trò lừa gạt với các thủ đoạn hết sức tinh vi, dù đã có những cảnh báo song vẫn không ít người bị mắc phải.
Anh Trần Văn H., giám đốc một doanh nghiệp du lịch tại TP. Đà Nẵng kể: Mới đây, giữa trưa có người giao hàng bấm chuông báo có gói quà gửi anh. Nhìn gói quà bọc nilon cẩn thận, trên ghi hẳn chữ “Quà tặng” to tướng, anh đinh ninh bạn bè nào đó thiện ý tặng quà nên không ngần ngại trả phí và còn tặng thêm tiền cho người giao. Song khi mở ra thì gói “quà” chả có gì, chỉ có mấy món phế liệu vứt đi.
Nhận diện các cuộc gọi lừa đảo. Ảnh minh họa: Internet |
Tương tự, chị Trương Mỹ Q., chủ một tiệm quần áo tại Huế đang đi công việc thì nhận được điện thoại giao hàng. Khi chị Q. cho biết đang ở ngoài đường, nhân viên giao hàng rất sốt sắng nói hoặc ném thùng hàng vào sân nhà rồi chị chuyển khoản, hoặc chị ra điểm giao dịch nhận hàng sau. Nhìn vào camera, thấy nhân viên ném thùng hàng vào nhà xong, chị hài lòng chuyển khoản. Đến khi về nhà, mở thùng ra, chị mới biết là bị lừa, khi bên trong toàn giấy lộn.
Rất nhiều trường hợp bị lừa gạt như anh H., chị Q. Rõ ràng kẻ gian rất khôn ngoan, thậm chí nghiên cứu kỹ cả… tâm lý “con mồi”, có thể do theo dõi các đơn hàng mua bán của các cơ sở kinh doanh, hay việc giao nhận hàng của một số cá nhân hay mua hàng trực tuyến, để lên kế hoạch lừa gạt.
Biết rõ người nhận hàng thường chủ quan không vội kiểm tra hàng hóa, các trò lừa gạt này hiệu nghiệm ngay khi giao tận tay nạn nhân. Kể cả trong trường hợp bị phát hiện, người giao hàng cũng có thể thoái thác họ chỉ là người đi đưa đơn hàng, làm sao biết người gửi thế nào. Những trường hợp không gặp được người giao, kẻ gian sẽ càng thuận lợi hơn khi giả vờ giao cho hàng xóm, hay ném vào nhà. Có nhiều trường hợp kẻ gian không hề giao hàng, chỉ báo qua điện thoại và đề nghị thanh toán chuyển khoản, thậm chí cố tình lừa đảo khi sử dụng các tài khoản cài đặt hack thông tin. Tất cả có thể tạo nên một “ma trận” đánh lừa hết người này qua người khác.
Điều đáng nói là những trường hợp này, số tiền bạc bị mất không nhiều, có thể chỉ vài chục nghìn đồng, hy hữu mới có những trường hợp gian lận tiền hàng hóa vài trăm nghìn đồng. Kẻ gian biết rõ, với những khoản tiền nhỏ như vậy, nạn nhân thường tặc lưỡi bỏ qua, “tự trách” bản thân không cẩn thận, chứ không khai báo cơ quan chức năng. Tình trạng này cũng tương tự các điểm bán hàng trực tuyến “treo dê bán chó”, giao hàng không đúng chất lượng, mẫu mã kiểu dáng giới thiệu với người mua. Nạn nhân chỉ bực mình tức giận mà không thể làm mạnh tay gì khác, cắn răng bỏ qua. Do đó, những phương thức lừa gạt này đang ngày một gia tăng và thật sự là vấn nạn trong hoạt động giao tiếp xã hội, thương mại hàng hóa hiện nay.
Theo một cán bộ quản lý thị trường tại Đà Nẵng, kể cả trong trường hợp người bị hại có lên tiếng, cơ quan chức năng cũng rất khó phát hiện, phanh phui hành vi lừa gạt của kẻ gian. Ngoại trừ các vụ lừa đảo ăn cắp tài khoản, cướp đoạt số tiền lớn, khi lực lượng an ninh, cảnh sát vào cuộc, còn lại các vụ việc lừa gạt có số tiền ít ỏi, người bị hại gần như không tố giác ai được.
Giải pháp được các nhà tư vấn đưa ra vẫn là mọi người cần hết sức cảnh giác, luôn cẩn thận tỉnh táo trước mọi sự việc. Với nạn giao hàng giả, lừa gạt chuyển khoản, theo anh H., có bị sự cố rồi mới ngộ ra là phải nên kiểm tra hàng hóa nhận được như thế nào, đòi hỏi có đơn hàng rõ ràng, đọc kỹ các đơn hàng được giao ra sao khi ký nhận. Còn chị Q. rút kinh nghiệm, không nên lười biếng khi nhận hàng hóa, tốt nhất cứ hẹn lại bên giao và trực tiếp đến văn phòng đơn vị chuyển vận để lấy hàng. Với các trường hợp lừa tài khoản, mọi người chú ý không chấp nhận bất kỳ tài khoản nào không rõ ràng, không đúng đối tượng khách hàng, đối tác, thân nhân của mình; đặc biệt kiên quyết không cung cấp các thông tin cá nhân, kể số điện thoại, căn cước công dân và không nhấn vào các đường link lạ. Càng thận trọng, càng nâng cao cảnh giác mới có thể tránh được những sự vụ bị lừa gạt đáng tiếc, mất tiền bực mình mà chẳng biết tỏ bày cùng ai.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc