Multimedia Đọc Báo in

Những lỗi thường gặp khi lái xe

08:17, 29/12/2024

Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng liên tiếp xảy ra gần đây đều rơi vào các xe khách chạy đường dài.

Tài xế xe khách hầu hết là những người phải trải qua ít nhất 5 năm ôm vô lăng các loại xe nhỏ, xe lớn, rồi sau đó mới được thi nâng hạng lên xe khách. Có kinh nghiệm nhưng một số người vẫn hay mắc những lỗi cơ bản do chủ quan, cẩu thả dẫn đến tai nạn.

Lấn đường, lấn tuyến

Đây là lỗi… kinh niên nhất và hay gây tai họa nhất. “Lấn len” - ngôn ngữ của các bác tài chỉ việc lấn làn, lấn tuyến, lấn qua vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, lấn qua vạch giới hạn đường bộ…

Đặc thù đường Tây Nguyên nói riêng, đường Việt Nam nói chung là đường đèo dốc, quanh co, tầm nhìn hạn chế. Ngoài các biển báo nguy hiểm, người ta thường đặt các biển cấm, biển báo hạn chế tốc độ. Bên cạnh đó, tại các quốc lộ, hay tỉnh lộ, khi chưa có điều kiện đặt dải phân cách giới hạn hai chiều xe chạy riêng biệt, người ta dùng vạch liền nét để chia đường. Gặp vạch này lái xe không được cho xe lấn qua, đặc biệt là những nơi quanh cua liên tiếp.

Xe khách vượt ở đầu dốc, đoạn đường cong khuất tầm nhìn nguy hiểm.

Luật là vậy nhưng không nhiều bác tài để tâm, để ý. Xe vào đường quanh co mà chân cứ đạp ga. Lực ly tâm và lực quán tính, lực đẩy khiến chiếc xe luôn có chiều hướng… bay ra ngoài lề đường, buộc các lái xe chỉ còn cách lấn đường. Tốc độ càng lớn thì phần đường ngược lại nguy cơ bị lấn, bị khóa càng cao.

Chủ quan trong khâu chăm sóc, bảo dưỡng phương tiện

Vào mùa lễ, Tết, thi cử, thu hoạch nông sản… khi lượng hành khách đi lại tăng đột biến, nhà xe thường tranh thủ thời gian quay đầu liên tục nên việc chăm sóc, bảo dưỡng phương tiện bị xem nhẹ. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu của nhiều vụ tai nạn xe khách.      

Chẳng hạn như khâu kiểm tra định kỳ hằng ca, hằng kíp rất quan trọng song không mấy nhà xe, lái xe lưu tâm thực hiện. Ngoài việc thăm dầu, mỡ, nhớt, nước… thì khâu kiểm tra siết chặt phải làm thường xuyên hằng ngày. Xe chạy văng bánh ra ngoài, mất lái bất ngờ, gãy, vặn xoắn, hoặc rớt cạc đăng (trục nối, truyền động từ động cơ đến cầu trước, cầu sau), gãy láp (trục truyền động từ cầu đến các bánh chủ động)… phần lớn là do bất cẩn, chủ quan, không kiểm tra, kiểm soát, gia cố, sửa chữa kịp thời.

Bệnh… xài "đồ cổ"

Tận dụng lốp cũ, lốp mòn, lốp không đúng kích cỡ, lốp đắp là tình trạng khá phổ biến ở nhiều hãng xe, và thường rơi vào các xe container, xe chợ, xe dù, thậm chí ở cả một số xe chất lượng cao.

Trong đời lái xe của mình, tôi đã từng có lần vừa run vừa… cầu trời khi một lốp phía sau xe bị nổ, vừa lái xe đi tìm các tiệm vá lốp trên đường để nhà xe… mua lại lốp cũ thay. Nhà xe làm thế để tiết kiệm chi phí đã đáng trách; tài xế cũng đáng bị phê phán khi xe sử dụng lốp cũ mà không hề ý thức đến sự nguy hại, để rồi sau đó chạy đua bù thời gian bắt khách…

Còn rất nhiều căn bệnh chủ quan của cánh tài xế, như sử dụng điện thoại; tám chuyện với hành khách khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông… Những hoạt động đó dễ khiến sao nhãng, không để ý, không xử lý kịp khi có tình huống bất ngờ xảy ra, tai nạn là điều khó tránh khỏi.

Nhiều năm kinh nghiệm lái xe, chứng kiến nhiều vụ tai nạn, tôi rút ra bài học: tài xế phải biết sợ! Nếu mỗi người khi lưu thông trên đường biết sợ để luôn nhắc mình hãy cẩn thận, hãy để ý quan sát, hãy nhả bớt chân ga, biết nhường nhịn… thì mới bớt nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Trương Nhất Vương


Ý kiến bạn đọc


(E-Magazine) Đảng viên trẻ là “rường cột” của buôn làng
Với trách nhiệm nêu gương của đảng viên cùng lòng nhiệt huyết, khát khao cống hiến của tuổi trẻ, họ tích cực xây dựng khối đoàn kết nội bộ, là "cầu nối" giữa Đảng với nhân dân, qua đó đã có những cống hiến thiết thực, góp phần quan trọng vào sự đổi thay ở các buôn làng.