Multimedia Đọc Báo in

Nỗi niềm nghề lái xe đường dài

10:31, 15/12/2012

Đã là tài xế không ai muốn xui rủi đến với mình, nhất là tai nạn: nhỏ thì va quẹt, trầy xước thân vỏ xe; nặng hơn thì lật xe thiệt hại tài sản, tính mạng con người, và cả bản thân tài xế cũng không thể biết điều gì sẽ xảy ra với mình.

Cánh tài xế thường có tâm lý nghĩ mình lái sẽ an toàn hơn người khác nên đôi khi tự tin thái quá. Nhiều lúc sức khỏe cực tốt, tâm trạng phấn chấn, lái xe sẽ có cảm giác làm chủ toàn bộ mọi góc cạnh của chiếc xe như lòng bàn tay mình. Thực tế trên một chuyến hành trình dài, không phải lúc nào cũng có được cái cảm giác hưng phấn ấy, đa phần là ở trạng thái bình thường, rồi tới lúc cố gắng, căng thẳng, mệt mỏi… và cuối cùng là buồn ngủ.

Không khó để nhận biết lúc tài xế mệt mỏi và rơi vào trạng thái gà gật. Người đi xe lâu năm tinh ý chỉ cần thấy nghe tiếng ga phập phù, đi số có tiếng kêu, kẹt hoặc oà ga (ga lớn) mà không đi số, hoặc đã hết biển hạn chế tốc độ 40 km/h mà nhìn tài xế mắt mở trân trối, không chớp, nói chuyện thì chuyện này xuyên sang chuyện nọ không có chủ đề, nói vu vơ không định hướng, nghe người khác nói chuyện thì ú ớ không thành tiếng, lúc nào cũng gật như kiểu đồng ý tất cả… Nặng hơn là xe vẽ chữ chi trên đường. Ngủ trong tâm là trạng thái nguy hiểm hay gặp ở những tài xế đường dài, thường những lúc như vậy người lái chạy xe theo cảm tính. Nếu bị đánh thức bất chợt tài xế sẽ có biểu hiện giật thột, hoảng hốt, điều khiển xe theo phản xạ tự nhiên. Điều này cũng rất nguy hiểm.

Những tài xế mới vào nghề chạy chung với chủ xe, hoặc “cặp” với tài xế cũ, thường không dám thừa nhận mình buồn ngủ, dù đã được nhắc nhở, cảnh báo. Biết mình buồn ngủ nhưng vẫn cố! Họ sợ bị đánh giá, sợ hành khách lên án, sợ chủ xe, tài xế cũ chê cười là yếu tay lái. Thứ nữa là họ cố gắng để lấy lòng đồng nghiệp hoặc ông chủ, hoặc có gọi dậy thay thì cũng bớt cằn nhằn. Nhiều bác tài lớn tuổi mắc bệnh chủ quan, ỷ lại, hoặc quan cách cứ nghĩ lái xe mới còn trẻ, khỏe, để nó chạy ráng thêm tý cũng chẳng sao… Nhưng sức khỏe con người cũng có giới hạn, với lịch trình xe tối nay đi, tối mai về, thức thâu đêm suốt sáng liên tục thì làm sao có thể bảo đảm sức khỏe. Người tài xế phải luôn ở trong trạng thái căng mắt ra nhìn đường, căng tai ra nghe ngóng, hệ thống thần kinh luôn ở cảnh giới cao. Ngoài những tác nhân kích thích chống buồn ngủ, tăng lực hữu hiệu như nước chè đặc, cà phê, nước yến, nước bò húc… thì việc chở thêm hàng, chở thêm nhiều hành khách đón xe dọc đường để kiếm thêm thu nhập chính là điều các tài xế xe khách, xe tải đường dài cố gắng hóa thân thành những người “mình đồng, da sắt” là vậy!

Luật Giao thông đường bộ đã quy định: lái xe không được chạy quá 10 giờ/ngày và không được chạy liên tục quá 4 giờ… để vừa bảo đảm sức khỏe người lao động, vừa phòng tránh những tai nạn thảm khốc đã từng xảy ra do quá mệt mỏi rơi vào buồn ngủ, hoặc ngủ gật, ngủ trong tâm... Luật là vậy nhưng để áp dụng được cho cánh lái xe tải, xe khách đường dài thì hầu như chưa thể làm được, bởi ai sẽ là người giám sát, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở? Ngay cả lái xe cũng đâu ai muốn làm nhiều, làm quá thời gian quy định; nhưng do đi làm thuê, cố gắng lao lực kiếm tiền, phòng lúc bệnh tật. Không có con số thống kê chính xác, nhưng đã là lái xe rất hiếm người tránh được các bệnh đau lưng, đau dạ dày, thần kinh tọa, thoái hóa đốt sống cổ, đau vai gáy, bệnh trĩ, bệnh viêm đại tràng, suy nhược thần kinh…

Nghị định 71 của Chính phủ sửa đổi, điều chỉnh Nghị định 34, theo hướng mức hình phạt tăng rất nặng. Đây là chủ trương đúng nhằm giáo dục ý thức người tham gia giao thông biết tôn trọng luật pháp và tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông; tiến tới giảm ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông. Để bảo đảm mọi công dân đều công bằng trước pháp luật và tự giác hưởng ứng, tuyên truyền, chấp hành Nghị định mới, thiết nghĩ và mong mỏi: đội ngũ lái xe được đào tạo cơ bản, chuyên nghiệp hơn; Nhà nước cần có những chính sách tiền lương phù hợp bảo đảm thu nhập của người tài xế có thể đủ sống nuôi vợ con cũng như bảo đảm các quyền, lợi ích cơ bản mà Luật Lao động quy định người lao động được hưởng…

Trương Nhất Vương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.