Cái giá phải trả cho những kẻ lừa đảo
Thời gian gần đây, tình hình tội phạm xâm phạm trật tự xã hội nói chung, tội phạm xâm phạm sở hữu nói riêng, đặc biệt là tội phạm liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra ngày càng tăng về số vụ, giá trị tài sản bị chiếm đoạt ngày càng lớn.
Chỉ tính trong năm 2024 (từ 15/12/2023 đến 14/10/2024) trên địa bàn tỉnh xảy ra 812 vụ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, làm 18 người chết, bị thương 163 người, thiệt hại tài sản ước tính hơn 111 tỷ đồng. Trong đó, nhóm tội xâm phạm sở hữu (cướp tài sản, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…) chiếm tỷ lệ 42,37%. Các hành vi, thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, giá trị tài sản bị lừa đảo chiếm đoạt lên tới hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng.
Mới đây, TAND tỉnh đã tổ chức phiên tòa sơ thẩm hình sự đối với bị cáo Hồ Văn Kiều (SN 1991, trú xã Krông Búk, huyện Krông Pắc) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Theo cáo trạng, từ năm 2018 – 2022, Kiều kinh doanh mua bán xe ô tô cũ tại thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar. Đầu năm 2023, việc kinh doanh gặp khó khăn nên Kiều vay tiền của nhiều người để duy trì làm ăn. Đến tháng 6/2023, Kiều không còn khả năng kinh tế, không có nguồn thu nhập để duy trì kinh doanh nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của người khác thông qua việc vay mượn, mua bán xe ô tô, kêu gọi đầu tư làm ăn chung.
Để tạo “vỏ bọc”, Kiều đã thuê 4 chiếc ô tô đắt tiền tại TP. Buôn Ma Thuột về trưng bày tại salon của mình để những người khác tin rằng hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Đồng thời, Kiều chuyển tiền cho người khác và nhờ họ chuyển lại cho mình kèm các nội dung như “đặt cọc mua xe”, “chuyển tiền mua xe”… rồi chụp ảnh màn hình điện thoại đăng lên mạng xã hội để dễ dàng trong việc vay tiền, huy động vốn. Bằng thủ đoạn đó, từ 1/6/2023 đến 21/9/2023, Kiều đã chiếm đoạt tiền của 2 người ở tỉnh Quảng Ninh, TP. Hà Nội và 4 người ở huyện Ea Kar. Ngoài ra, Kiều còn thuê người làm giả 1 giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô và sử dụng 2 giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô giả (một giấy đã có sẵn từ trước đây) để thế chấp vay tiền của một người dân ở huyện Ea Kar vào năm 2021. Tổng số tiền mà Kiều đã chiếm đoạt của các bị hại là hơn 19 tỷ đồng.
Bị cáo Hồ Văn Kiều tại phiên tòa sơ thẩm. |
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Hồ Văn Kiều mức án 18 năm 6 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 6 tháng tù về tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (tổng cộng hình phạt của hai tội là 19 năm tù).
Trước đó, ngày 22/8/2024, TAND tỉnh cũng đã tổ chức phiên tòa sơ thẩm hình sự xét xử và tuyên phạt bị cáo Lê Thị Thúy Hà (SN 1977, trú TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) mức án 20 năm tù và bị cáo Trần Thị Thúy (SN 1977, trú huyện Krông Bông) mức án 12 năm tù, cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2018 – 2020, Hà thành lập Công ty TNHH Thương mại Hà Linh Phú Thọ, do mình làm giám đốc. Mặc dù không phát sinh hoạt động kinh doanh hay xuất khẩu hàng hóa nào, Hà vẫn tạo ra thông tin giả mạo rằng công ty của mình hoạt động tốt và chuyên xuất khẩu các sản phẩm gia công. Sau đó, Hà đăng tải thông tin trên mạng xã hội, tuyển dụng người gia công sản phẩm với “mức lương” hấp dẫn. Nhiều người dân tin tưởng và liên hệ với Hà để đặt cọc tiền, nhận sản phẩm về gia công.
Theo thống kê, Hà đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 8,9 tỷ đồng của 68 người tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai. Đối với bị cáo Thúy, từ tháng 8/2019 - 4/2020, mặc dù nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn hỗ trợ, giúp sức Hà cung cấp thông tin gian dối về việc tuyển dụng người gia công sản phẩm cho Công ty TNHH Thương mại Hà Linh Phú Thọ. Thúy đã nhận tiền đặt cọc của 14 người với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng và chuyển cho Hà, hưởng lợi gần 280 triệu đồng.
Bản án đối với những kẻ lừa đảo đã được tuyên đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, là bài học cảnh tỉnh cho những người khác. Qua những vụ án này, mỗi người cũng cần phải rút ra bài học cho chính mình, hãy tỉnh táo trước bẫy lãi suất cao; hết sức thận trọng khi tham gia các hoạt động tín dụng ngoài sự quản lý của nhà nước; đừng vì hám lợi trước mắt để tránh "tiền mất tật mang".
Hà Duy
Ý kiến bạn đọc