“Một điều nhịn, chín điều lành”
Thời gian gần đây trên phạm vi cả nước xảy ra hàng loạt vụ xô xát, thậm chí có cả án mạng sau khi va chạm giao thông. Không ít người phải trả giá đắt cho hành động ngông cuồng và thiếu văn hóa trong ứng xử của bản thân mình.
Dư luận vẫn còn bàng hoàng và phẫn nộ trước vụ việc đối tượng Vũ Đình Minh Thiện (27 tuổi, quê Đồng Nai) đã tấn công, đâm một người đi đường tử vong sau va chạm giao thông. Cụ thể, khoảng 21 giờ ngày 7/4, người dân trên đường Lộ Tẻ, quận Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh) thấy hai người đàn ông đi xe máy đứng cự cãi trên đường. Sau đó, một trong hai người lên xe rời đi, người còn lại ngã gục xuống đường. Thấy vậy, người dân đến kiểm tra thì phát hiện người này bị đâm. Dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng nạn nhân đã không qua khỏi do vết thương quá nặng. Sau một ngày lẩn trốn, đối tượng Thiện đã đến cơ quan chức năng đầu thú.
Trước đó, cuối tháng 3/2025, một người đàn ông điều khiển xe máy chở con đi học đoạn qua địa phận TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương) cũng bị một nam thanh niên dùng gậy đánh tới tấp vào tay, vai, đầu, sau đó điều khiển ô tô rời khỏi hiện trường. Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bình Dương đã bắt giữ đối tượng, xử lý theo quy định của pháp luật. Điều đáng nói, qua hệ thống camera an ninh thì xe máy của người bị đánh chỉ suýt va chạm với ô tô chứ chưa va chạm. Thay vì xuống trao đổi, nhắc nhở thì nam thanh niên dở thói côn đồ, hành hung người đi đường và phải chịu hình phạt của pháp luật.
![]() |
Một thanh niên trú tại TP. Buôn Ma Thuột bị cơ quan công an triệu tập do đánh người sau va chạm giao thông. |
Những hình ảnh phản cảm, thiếu văn hóa khi tham gia giao thông như trên không phải hiếm gặp. Ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông không chỉ là việc tuân thủ các quy quy định của pháp luật về giao thông mà còn là thái độ ứng xử giữa người với người. Hành động “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” ở trong bất cứ tình huống nào, ở bất cứ mối quan hệ xã hội nào đều kéo theo hệ lụy khôn lường. Cả người gây ra và người bị hại đều ít nhiều bị ảnh hưởng về tinh thần, sức khỏe, thậm chí cả tính mạng. Từ xa xưa, cha ông ta đã từng đúc kết “một điều nhịn, chín điều lành”, xem đó là triết lý sống, là phương châm ứng xử trong cuộc sống. Nhường nhịn không phải là hạ thấp bản thân, mà để giữ hòa khí với mọi người chung quanh và an toàn cho bản thân.
“Nhường nhịn, giúp đỡ lẫn nhau khi tham gia giao thông” cũng là một trong những thông điệp được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương chú trọng tuyên truyền nhằm thực hiện Năm An toàn giao thông 2025, với chủ đề “Hành trình an toàn, kiến tạo tương lai”. Mục tiêu hướng đến làm thay đổi thái độ, hành vi của người tham gia giao thông theo hướng tích cực hơn, nhất là việc chấp hành đúng quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc