Tràn lan thực phẩm giả: Lỗ hổng lớn trong hành lang pháp lý
Chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các cơ sở sản xuất thực phẩm giả, trong đó hàng nghìn sản phẩm giả đã đến tay người tiêu dùng bằng nhiều hình thức khác nhau. Thực trạng này cho thấy những lỗ hổng đáng báo động trong quản lý, kiểm soát hàng giả...
Tràn lan thực phẩm giả
Ngoài vụ việc gần 600 nhãn hiệu sữa giả bị phanh phui, mới đây, Bộ Công an tiếp tục khởi tố vụ sản xuất, buôn bán thực phẩm giả quy mô lớn, thu giữ hơn 100 tấn sản phẩm. Điều đáng nói, đường dây này hoạt động gần 10 năm, tổ chức chặt chẽ từ nguyên liệu đến phân phối. Các sản phẩm mà công ty này gia công sản xuất là các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe dành cho người suy giảm hệ miễn dịch, người bệnh, cho phụ nữ và trẻ em, thậm chí cả sản phẩm tăng cường sinh lý cho nam giới.
Trong đó, công an xác định hai sản phẩm giả là Baby Shark và Medi Kid Calcium K2 dành cho trẻ em do Công ty Herbitech (trụ sở tại khối 8, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) sản xuất. Cơ quan chức năng cho hay, công ty này đã gia công, sản xuất hơn 200 sản phẩm có giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng nhưng lại thiếu sự kiểm soát về chất lượng.
Sản phẩm được quảng cáo là nhập khẩu từ các nước Pháp, Đức, Mỹ nhưng nguyên liệu sản xuất đa số được nhập từ Trung Quốc hoặc thị trường trôi nổi, với giá thành rất thấp. Đơn cử như sản phẩm Baby Shark (công dụng được công bố trên bao bì là bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh, trẻ gầy yếu, đề kháng kém, biếng ăn) qua kiểm tra thì là hàng giả, giá thành sản xuất chỉ khoảng 20.000 đồng/hộp, song giá bán đến tay người tiêu dùng cao gấp chục lần giá sản xuất.
Mới đây nhất, vào ngày 24/4, Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện Công ty TNHH Famimoto Việt Nam (tại địa chỉ khu Đồng Đồi, xã Thụy Vân, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) đã tiêu thụ ra thị trường 144 tấn dầu ăn; 118 tấn bột canh, 363 tấn hạt nêm giả. Ngoài ra, cơ quan công an còn làm rõ hơn 1.220 tấn mì chính có dấu hiệu vi phạm về chỉ dẫn tem mác. Kết quả trưng cầu giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho thấy, thành phần, định lượng, định tính giá trị dinh dưỡng trong các sản phẩm mì chính, dầu ăn, bột canh cao cấp và hạt nêm nói trên do Công ty TNHH Famimoto Việt Nam đóng gói và sản xuất đều không đạt so với các chỉ tiêu công bố hoặc chỉ tiêu ghi trên nhãn sản phẩm.
![]() |
Xưởng sản xuất mì chính giả của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam. Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ |
Trao quyền nhưng thiếu hậu kiểm
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp được tự công bố chỉ tiêu chất lượng và tự chịu trách nhiệm về sản phẩm là thực phẩm, thay vì gửi bản hồ sơ công bố tới các cơ quan nhà nước để xác nhận. Cơ chế này nhằm giảm bớt thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, không ít trường hợp đã lợi dụng điều này để sản xuất và kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, qua mặt cơ quan chức năng và lừa gạt người tiêu dùng.
Cụ thể, tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, có hiệu lực thi hành từ ngày 2/2/2018 quy định tất cả tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm đều phải công bố sản phẩm của mình bằng một trong hai phương thức: tự công bố sản phẩm hoặc đăng ký bản công bố sản phẩm.
Lợi dụng điều này, một số doanh nghiệp dù biết sản phẩm chưa đủ điều kiện lưu thông trên thị trường nhưng vẫn tự công bố để sản phẩm của mình được lưu hành. Chẳng hạn như Công ty Herbitech sử dụng phiếu kết quả thử nghiệm giả mạo hoặc chỉnh sửa các chỉ tiêu công bố để đưa sản phẩm ra thị trường. Tương tự, gần 600 nhãn hiệu sữa giả, sữa kém chất lượng của 11 công ty trong đường dây sản xuất sữa giả vừa bị triệt phá vào trung tuần tháng Tư vừa qua cho thấy rõ bất cập trong việc trao quyền tự công bố sản phẩm cho doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, chế tài xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng chưa đủ sức răn đe, trong khi công tác hậu kiểm của cơ quan liên quan thiếu chặt chẽ, hầu như chỉ kiểm tra khi có phản ánh nên các tổ chức, cá nhân lợi dụng “kẽ hở” này để thực hiện hành vi vi phạm.
Hàng giả, hàng kém chất lượng nếu chỉ nhận diện bằng nhãn quan bình thường, đặc biệt trong xu thế mua hàng qua nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử là vô cùng khó khăn. Đâu là hàng thật, đâu là hàng giả vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, người tiêu dùng chỉ biết trông chờ vào công tác hậu kiểm, công bố thông tin sản phẩm từ cơ quan chức năng!
Phạm Hoàng
Ý kiến bạn đọc