Multimedia Đọc Báo in

Cách làm hay trong tuyên truyền về an toàn giao thông

08:08, 06/04/2022

Những năm qua, Đội Cảnh sát giao thông – trật tự (Công an huyện Cư M’gar) đã có nhiều sáng tạo, đổi mới về nội dung và hình thức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Trong đó, việc lấy chính lỗi vi phạm để tuyên truyền cho người dân là một cách làm hay và hiệu quả.

Tại buổi tuyên truyền về an toàn giao thông tại xã Quảng Hiệp mới đây, ngoài việc phổ biến những quy định cơ bản của Luật Giao thông đường bộ, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông – trật tự (Công an huyện Cư M’gar) còn mang đến những hình ảnh trực quan, sinh động ghi lại chính những hành vi vi phạm của người dân ở địa phương, phân tích cụ thể đó là vi phạm gì, hậu quả của những vi phạm ấy như thế nào, nguyên nhân, thời điểm thường xảy ra các vụ tai nạn giao thông; tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và an toàn khi tham gia giao thông…

Cách tuyên truyền trực quan với những hình ảnh minh họa cụ thể thu hút sự chăm chú theo dõi của bà con; ai cũng bảo dễ hình dung, dễ hiểu, dễ nhớ.

Các buổi tuyên truyền Luật GTĐB đều được tổ chức vào buổi tối, đã tạo điêu kiện thuận lợi cho người dân tham gia.
 

Từ năm 2021 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Cư M’gar đã phối hợp tổ chức được 11 buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tại các địa phương với hơn 2.200 người tham gia.

 

Tham dự buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tại xã Quảng Hiệp, ông Võ Văn Tám (thôn Hiệp Thắng) chia sẻ: “Các điều luật thường có những từ ngữ khô cứng, khó hiểu, nhất là với những người nông dân ít tiếp xúc với văn bản, giấy tờ thì rất khó hình dung, khó nhớ.

Thế nhưng các tình huống thực tế, hình ảnh tại buổi tuyên truyền này giúp người dân nhận thấy được các hành vi nào là vi phạm luật, nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông, lại được các cán bộ công an phân tích, chỉ rõ các mức phạt… thì ai cũng đều có thể ghi nhớ và thậm chí nhớ được lâu hơn”.

Theo Thượng úy Nguyễn Đức Cảnh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông – trật tự (Công an huyện Cư M’gar), việc đổi mới cách thức tuyên truyền này đã được công an huyện thực hiện từ nhiều năm qua và cho thấy hiệu quả rõ rệt, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Trước khi tổ chức các buổi tuyên truyền, Đội Cảnh sát giao thông – trật tự phân công các cán bộ, chiến sĩ tổng hợp, lựa chọn những hình ảnh vi phạm thực tế tại các địa bàn, hoặc trong quá trình giải quyết các vụ tai nạn giao thông và xử lý vi phạm giao thông để xây dựng các nội dung tuyên truyền phù hợp, ngắn gọn theo từng mục, từng lỗi, giúp bà con dễ nhớ, dễ hiểu.

Người dân trả lời phần thi hỏi đáp về an toàn giao thông tại một buổi tuyên truyền.

 

Không chỉ lấy chính những hình ảnh vi phạm để tuyên truyền, các cán bộ, chiến sĩ còn kết hợp tổ chức các trò chơi, hỏi đáp kiến thức pháp luật về an toàn giao thông có thưởng, giúp buổi tuyên truyền diễn ra trong không khí sôi nổi và hấp dẫn hơn.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.