Multimedia Đọc Báo in

Trình độ học vấn nào thì phù hợp để học lái ô tô?

06:30, 03/03/2024

LTS: Báo Đắk Lắk Cuối tuần số ra ngày 25/2/2024 đăng bài “Cần nâng cao hơn nữa học vấn đối với người học lái xe”. Sau khi bài báo được đăng tải, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc thảo luận về vấn đề này. Dưới đây là ý kiến của Thạc sĩ Nguyễn Xuân Trung từ Trường Cao đẳng Huế.

Chất lượng đào tạo và sát hạch lái xe ô tô bị ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác nhau và trong đó chắc chắn có trình độ học vấn của người học. Tuy nhiên, ở cấp độ nào thì phù hợp là một câu hỏi cần có sự thảo luận rộng rãi và cả nghiên cứu chuyên sâu; nếu không có thể sa vào tình trạng “đem đại bác bắn chim sẻ” và ngược lại.

Học vấn cao hơn có vi phạm ít hơn?

Kết quả nghiên cứu “Những nhân tố ảnh hưởng đến hành vi tiềm ẩn gây tai nạn giao thông của tài xế xe ôm công nghệ” của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) công bố năm 2018 cho thấy, tài xế là sinh viên có nhiều khả năng chạy quá tốc độ cao hơn hai lần so với người không phải là sinh viên; tài xế chưa tốt nghiệp THPT sử dụng điện thoại khi lái xe ít hơn so với những tài xế đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học hay sau đại học!

Còn thống kê các năm 2019 - 2023 của Cảnh sát giao thông TP. Hồ Chí Minh cho thấy trình độ học vấn của những người đi mô tô hai bánh vi phạm an toàn giao thông là: người không biết chữ chiếm 2%; người tốt nghiệp tiểu học 8%; tốt nghiệp THCS chiếm 56%; tốt nghiệp THPT 28%; tốt nghiệp cao đẳng, đại học hoặc sau đại học 6%.

Học viên thực hiện các thao tác dưới sự hướng dẫn của giáo viên. (Ảnh minh họa)
Học viên thực hiện các thao tác dưới sự hướng dẫn của giáo viên. (Ảnh minh họa)

Dù không phải là với ô tô nhưng những con số trên cho phép suy luận rằng, chưa có cơ sở để khẳng định người lái xe có học vấn cao hơn thì ít vi phạm pháp luật giao thông hơn.

Không riêng kiến thức quyết định hành vi lái xe

Có lẽ, vượt đèn đỏ là hành vi vi phạm dễ gặp nhất trong giao thông đô thị hiện nay. Chắc chắn rằng những người vượt đèn đỏ đều hiểu rõ đó là vi phạm luật pháp, là không đảm bảo an toàn. Vậy tại sao họ vẫn vượt? Vì lợi ích cá nhân chăng? Vì không có ai phạt chăng?

Các nghiên cứu hiện đại về tâm lý giao thông chỉ ra rằng lái xe là một hoạt động phức tạp. Dù kiến thức về chiếc xe và kỹ năng điều khiển là cơ sở của việc lái xe, nhưng một trạng thái tâm lý và sinh lý khỏe mạnh vẫn không đủ để lái xe tốt và an toàn. Bởi hành vi lái xe của một người không chỉ phụ thuộc vào kiến thức, kỹ năng mà còn bị ảnh hưởng bởi mục tiêu, động lực và thái độ cá nhân. Không những vậy, đó còn là những ảnh hưởng lớn hơn, có tác động chi phối hơn theo thứ tự cấp độ như sau:

1. Mục tiêu cho cuộc sống và kỹ năng sống

2. Mục tiêu và bối cảnh lái xe

3. Làm chủ các tình huống giao thông

4. Điều khiển xe

Do đó, đào tạo lái xe còn phải tập trung nhiều hơn vào khả năng tự đánh giá và nhận thức nguy cơ, chứ không chỉ kiến thức về ô tô hay kỹ năng điều khiển xe.

Khả năng tự đánh giá bản thân tốt sẽ giúp tài xế đưa ra những quyết định lái xe phù hợp với năng lực, tình trạng sức khỏe cá nhân như không mạo hiểm, không lái xe khi mệt mỏi… Còn năng lực nhận thức nguy cơ tốt sẽ giúp dự đoán và ứng phó hiệu quả với các mối nguy hiểm để lái xe an toàn.

Trình độ học vấn nào? 

Đã có một số nghiên cứu chỉ ra những bất cập trong đào tạo, sát hạch lái xe ô tô ở nước ta nói chung và chương trình đào tạo lái xe nói riêng ở tất cả các hạng giấy phép lái xe. Bất cập của chương trình đào tạo lái xe bao gồm về mục tiêu đào tạo, cấu trúc chương trình và cả nội dung chi tiết các môn học lý thuyết và thực hành.

Vì vậy, chưa thể trả lời được cần quy định trình độ học vấn nào để học lái xe ô tô, các chương trình đào tạo cũng như nội dung sát hạch phải được hoàn thiện và đảm bảo chất lượng thì mới có cơ sở, tiêu chuẩn để đánh giá, lựa chọn.

Ngay cả với quy định phải có bằng tốt nghiệp THCS hoặc bằng cấp tương đương mới được nâng hạng lên D, E lâu nay cũng chưa thể tìm thấy một nghiên cứu hay kết quả khảo sát, thống kê nào làm cơ sở khoa học.

 Nguyễn Xuân Trung

(Trường Cao đẳng Huế)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.