Multimedia Đọc Báo in

Những bài học bổ ích để tham gia giao thông an toàn

05:43, 29/09/2024

Nhằm triển khai tháng cao điểm an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh đến trường, lực lượng chức năng đã tăng cường phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật về ATGT cho học sinh. Trong đó, nhiều cách làm hay, dễ hiểu được áp dụng linh hoạt, thu hút sự chú ý của người nghe.

Mở đầu cho buổi tuyên truyền pháp luật về ATGT tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tây Nguyên mới đây, cán bộ Công an phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) đã dẫn chứng về hình ảnh quả dừa và đôi chân trần nhằm liên hệ đến quy định đội mũ bảo hiểm của người tham gia giao thông.

Nhân vật trải nghiệm chính là các em học sinh có mặt tại buổi tuyên truyền. Với hai quả dừa (một quả đã bóc lớp vỏ ngoài, một quả còn giữ nguyên), cán bộ tuyên truyền đề nghị học sinh dùng tay lần lượt ném mạnh hai quả dừa xuống đất.

Kết quả, quả dừa bóc lớp vỏ ngoài bị vỡ thành nhiều mảnh, quả dừa còn lại chỉ xây xước một lớp nhẹ phía ngoài. Sau hành động ném hai quả dừa của học sinh, cán bộ tuyên truyền đưa ra câu hỏi vì sao một quả dừa bị vỡ, quả còn lại vẫn còn nguyên.

Hàng trăm cánh tay giơ cao và các em đều chung câu trả lời, quả dừa còn nguyên do có lớp vỏ bảo vệ phía ngoài, quả còn lại thì không. Từ đó, bài học về việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, xe máy điện, xe đạp điện (gọi chung là xe máy) được các em rút ra, hình ảnh thực tế chính là hai quả dừa được đưa ra tại buổi tuyên truyền.

Tương tự, hình ảnh đôi chân trần (chân không mang giày, dép) cũng được cán bộ tuyên truyền dùng để làm dẫn chứng cho việc không chấp hành đội mũ bảo hiểm của người tham gia giao thông.

Hình ảnh quả dừa và đôi chân trần được cán bộ Công an phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) sử dụng trong buổi tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tây Nguyên.

Từ những hình ảnh thực tế ấy, cán bộ tuyên truyền đã lồng ghép con số thống kê các vụ tai nạn giao thông và hậu quả vụ tai nạn liên quan đến người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy. Cách tuyên truyền này rất đơn giản, nhưng lại gần gũi và tác động trực tiếp đến người nghe nên dễ nhớ, dễ hiểu.

Em Trần Quốc Thắng, học sinh lớp 7A3, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tây Nguyên chia sẻ, ban đầu chú công an gọi lên nhờ em ném mạnh hai quả dừa, em chưa hiểu mục đích của hành động này là gì. Sau đó, chú công an giải thích và liên hệ đến một vụ tai nạn giao thông xảy ra liên quan đến việc đội mũ bảo hiểm thì em mới hiểu ra vấn đề. Có lẽ đây là bài học giúp em và các bạn trong trường sẽ nhớ mãi không quên.

Sau câu chuyện này em sẽ luôn dặn bản thân và tích cực tuyên truyền mọi người xung quanh mình chấp hành quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, bắt đầu từ việc nhỏ nhất là thực hiện đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy.

Thiếu tá Trần Thanh Tuấn, Phó Trưởng Công an phường Thành Nhất cho biết, tuyên truyền pháp luật về giao thông thường khô cứng, đơn điệu, bởi vậy, để tạo sức hút đối với người nghe cần phải xác định rõ đối tượng để từ đó có những phương pháp phù hợp. Đối với lứa tuổi học sinh, những lỗi các em thường hay mắc phải là điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, dàn hàng ba, hàng tư khi tham gia giao thông…

Việc dẫn các điều luật trong quá trình tuyên truyền sẽ rất khó thu hút sự chú ý của các em, kéo theo hiệu quả sẽ không cao. Do vậy, tùy từng lứa tuổi học sinh ở mỗi trường học, đơn vị sẽ có cách truyền đạt và dẫn chứng câu chuyện, hình ảnh phù hợp để các em dễ nhớ, dễ hiểu.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, các em sẽ khắc ghi những kiến thức tiếp thu được và nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, giống như khi đi bộ phải có giày, dép bảo vệ đôi chân, khi ngồi trên xe máy phải đội mũ bảo hiểm để bảo vệ phần đầu của mình nhằm tránh thương vong trong trường hợp va chạm hoặc tai nạn giao thông.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc