Multimedia Đọc Báo in

Rượu, bia và bài học nhớ đời

08:16, 15/09/2024

Những ngày đầu làm giáo viên dạy lái, tôi vẫn còn thói quen của một lái xe đường dài là thích đủ thứ và đặc biệt là khoản ăn nhậu.

Lần đó tôi dạy lớp B2 có 5 học viên, trong đó Thiên và Tuyên là hai anh em ruột. Thiên là giáo viên một trường tiểu học nên khá nghiêm túc trong học tập cũng như trong giao tiếp; còn Tuyên thì tính sôi nổi, hoạt bát và cũng đam mê khoản nhậu. Mỗi tuần, cứ sau buổi học ban đêm, Tuyên thường rủ anh và thầy (là tôi) đi làm vài ly. Lần đầu chắc do nể tôi nên Thiên cùng đi, còn những buổi sau anh luôn tìm lý do từ chối.

Tôi thích nhậu nhẹt nhưng tửu lượng yếu nên mỗi lần cụng ly tôi chỉ nhấp môi chút xíu. Còn Tuyên thì bảo: “Nhà em nấu rượu, thử rượu liên tục, quen men nên em uống chỉ có no mà không say đâu thầy ạ. Nếu không tin thầy uống 1 ly, em uống 3 ly”. Không biết bao nhiêu lần thầy trò giao hảo bằng rượu như thế và lần nào lít rượu Tuyên tự rót đều dốc ngược không còn một giọt thì thầy trò mới bịn rịn chia tay nhau.

Buổi trưa hôm đó, Tuyên ghé nhà tôi, hai thầy trò lại lai rai đến vơi can rượu. Hết rượu, Tuyên xin phép chạy về cơ quan cách gần 5 km. Vợ chồng tôi khuyên bảo, Tuyên vẫn nhất quyết chạy xe máy ra về.

Một vụ tai nạn giữa ô tô và xe máy do người điều khiển xe máy uống rượu, bia.

Khi vợ chồng tôi chưa dọn dẹp xong đống chén bát thì có chuông điện thoại đổ. Thấy số Tuyên, tôi nhấc máy thì một giọng lạ hoắc hỏi: “Anh là người quen của chủ số điện thoại này phải không?  Bạn anh chết rồi anh ạ. Anh ấy chạy xe đến cây xăng đầu đường Ama Khê rồi tự ngã, người nồng nặc mùi rượu. Anh lên ngay nhé”.

Chúng tôi gọi điện cho Thiên báo tin rồi tức tốc đến hiện trường. Vẫn còn may mắn, Tuyên không chết như người ta thông báo mà nằm một đống rũ rượi, trông vừa thương, vừa giận! Mấy nhân viên ở cây xăng cho biết: “Thấy ổng chạy nhanh rồi ngã cắm đầu nằm giữa đường, tụi tui xúm khiêng vào cây xăng và hô hấp nhân tạo, tưởng chết vậy mà may là sống lại”.

Tôi chở Tuyên về nhà. Vợ Tuyên đang chăm đứa con nhỏ chỉ khoảng ba tháng tuổi. Thấy tôi đưa chồng về mà cô ấy dửng dưng như đã quen với cảnh này lắm rồi. Cô ta thán: “Anh ấy say xỉn miết thôi. Từ ngày đi học lái xe, đêm nào đi học về cũng say vậy á. Có lần khuya không thấy ảnh về, em phải bỏ con chạy ra dốc là thấy xe một nơi, người nằm một ngả. Chẳng biết ông thầy mắc dịch nào mà bắt học viên nhậu miết vậy…”.

Tôi ngồi nghe mà ngượng tím người, vì mình là “ông thầy mắc dịch” đó.

Những người thân trong gia đình nghe tin Tuyên bị tai nạn lần lượt kéo đến chật nhà. Trong câu chuyện tôi mới biết thêm rằng người anh trai kế của Tuyên cũng vì say xỉn lao xe máy vào đầu ô tô tải ở Cư Jut (Đắk Nông) tử vong.

Tôi đứng dậy nhận lỗi trước cả gia đình bởi tôi đã không lường hết hậu quả, giá mà tôi quyết liệt hơn để không uống rượu cùng học viên, cũng như ngăn không cho học viên điều khiển xe khi đã uống rượu.

Nhiều năm qua rồi mà câu chuyện về tai nạn của học viên suýt bỏ mạng vì uống bia, rượu cùng tôi khiến tôi nhớ mãi. Và bài học đã uống rượu, bia thì không lái xe đã trở thành bài giảng không thể thiếu…

Trương Nhất Vương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.