Cần quy định rõ ràng hơn việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập có liên quan đến thủ tục hành chính về đất đai hiện nay; hướng đến việc cắt giảm, đơn giản hóa thành phần hồ sơ và tối ưu hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Cụ thể, Dự thảo Luật đã bổ sung điều khoản về quyền tiếp cận thông tin về đất đai, trong đó có thông tin về thủ tục hành chính tại Điều 25; quy định về đăng ký đất đai trên môi trường điện tử tại Điều 162 (Dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai); bổ sung hành vi “Không ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng” là hành vi bị cấm tại Điều 12 nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quản lý, giải quyết thủ tục hành chính về đất đai.
Giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đất đai cho người dân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - UBND huyện Krông Năng. (Ảnh tư liệu) |
Dự thảo Luật cũng đã hoàn thiện quy định về công nhận quyền đối với hộ gia đình, cá nhân không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất (Điều 137); bổ sung quy định chặt chẽ về nguyên tắc lập, cập nhật, quản lý hồ sơ địa chính tại Điều 130 nhằm đơn giản hóa hồ sơ giải quyết, rút ngắn thời gian thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định “Các thủ tục hành chính về đất đai quy định tại khoản 1 Điều 214 của Luật này được thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc trên môi trường điện tử và có giá trị pháp lý như nhau” tại khoản 4 Điều 215 nhằm thể chế hóa chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính...
Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật vẫn còn một số nội dung có liên quan đến cải cách thủ tục hành chính chưa được quy định rõ ràng như: chưa quy định cụ thể về trình tự giải quyết một số thủ tục hành chính mà vẫn giao Chính phủ quy định; chưa có quy định về khuyến khích thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; một số nội dung chưa thống nhất với Luật Cư trú năm 2020… Do đó, để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai, đề nghị nghiên cứu, cân nhắc, bổ sung một số nội dung sau:
Thứ nhất, nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về trình tự giải quyết một số thủ tục hành chính vào Dự thảo Luật; các thủ tục hành chính cần được quy định rõ ràng, đầy đủ thành phần (Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính; thành phần hồ sơ, thời hạn giải quyết hồ sơ…) theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 8/6/2010 về kiểm soát thủ tục hành chính (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 7/8/2017), hạn chế việc giao Chính phủ quy định chi tiết. Trường hợp giao Chính phủ quy định chi tiết thì cần xây dựng các nghị định theo hướng tinh gọn, tập trung, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi trong áp dụng, thực hiện, cũng như nắm bắt quy định pháp luật.
Thứ hai, để phù hợp với chủ trương cải cách hành chính trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định “Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử” vào Điều 215 Dự thảo Luật cho đầy đủ, rõ ràng hơn.
Thứ ba, theo Luật Cư trú năm 2020 thì không còn thuật ngữ “hộ khẩu thường trú”, tuy nhiên trong Dự thảo Luật vẫn sử dụng cụm từ này. Việc yêu cầu về hộ khẩu thường trú sẽ phát sinh trường hợp yêu cầu sổ hộ khẩu là một trong những loại giấy tờ cần thiết để thực hiện một số thủ tục hành chính, điều này vừa không thống nhất với quy định pháp luật hiện hành, vừa không phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, cần sửa đổi cụm từ “hộ khẩu thường trú” tại điểm đ khoản 2 Điều 125, khoản 1 Điều 137, khoản 7 Điều 170 Dự thảo Luật để đảm bảo tính phủ hợp, thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời làm cơ sở để cắt giảm, đơn giản hóa thành phần hồ sơ trong một số thủ tục hành chính.
Thứ tư, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về Dịch vụ công trực tuyến tại Điều 162 so với quy định Luật Đất đai hiện hành, tuy nhiên nội dung tại điều này chưa đầy đủ. Đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung “được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng” vào cuối khoản 1 Điều 162 cho đầy đủ, phù hợp với bản chất của dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định khái quát chung về khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến vào Điều 162 nhằm góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính.
Phan Hiền
Ý kiến bạn đọc