Nhiều vướng mắc, bất cập trong thực hiện Nghị định số 33/2023/NĐ-CP
Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (viết tắt là NĐ 33) chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 10/8/2023.
Theo đó, NĐ 33 đã khắc phục được những bất cập, hạn chế tại các quy định trước đây; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất và hoàn chỉnh nhất cho việc quản lý, sử dụng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn triển khai, NĐ 33 cũng cho thấy một số vướng mắc, bất cập, gây khó khăn, lúng túng cho địa phương trong quá trình thực hiện.
NĐ 33 quy định tiêu chuẩn về “trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ cấp xã là tốt nghiệp đại học trở lên; trình độ lý luận chính trị tốt nghiệp trung cấp hoặc tương đương trở lên.
Trường hợp luật, điều lệ tổ chức có quy định khác với quy định tại nghị định này thì thực hiện theo quy định của luật, điều lệ đó” (Điều 8). Quy định ưu tiên áp dụng điều lệ như đề cập nói trên là chưa thực sự phù hợp với tinh thần Hiến pháp, bởi lẽ, theo quy định tại Điều 8 Hiến pháp năm 2013 thì “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ”, do đó, mọi hoạt động quản lý nhà nước phải được thực hiện trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật. Điều lệ của các tổ chức không phải là quy định pháp luật nên việc ưu tiên áp dụng quy định của điều lệ hơn văn bản quy phạm pháp luật là không phù hợp.
Bên cạnh đó, nội dung “Trường hợp luật, điều lệ tổ chức có quy định khác nghị định” thể hiện chưa có sự đánh giá, rà soát kỹ các quy định pháp luật khi xây dựng nghị định, vì một trong những nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng và ban hành văn bản là cần nghiên cứu, rà soát quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là các văn bản pháp lý cao hơn, để quy định cho phù hợp, thống nhất với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Cán bộ, công chức xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính cho người dân. Ảnh: Nguyễn Xuân |
Thêm vào đó, Khoản 4 Điều 8 NĐ 33 giao “UBND cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên đối với cán bộ cấp xã làm việc tại các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Như vậy, theo quy định này thì mọi chức vụ công chức các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đều có thể có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt nghiệp trung cấp. Điều này chưa thực sự phù hợp với thực tiễn; cũng như chưa khuyến khích được việc học tập nâng cao trình độ đối với đội ngũ cán bộ cấp xã.
NĐ 33 quy định cũng chưa thống nhất đối với hoạt động kiêm nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Cụ thể: Điều 20 NĐ 33 quy định: “Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã khác với chức vụ, chức danh hiện đảm nhiệm mà giảm được 01 người trong số lượng cán bộ, công chức cấp xã được giao thì kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức lương (bậc 1), cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) của chức vụ, chức danh kiêm nhiệm; phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ, chức danh không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (khoản 1); Trường hợp cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định của chức danh kiêm nhiệm (khoản 2)”.
Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 34 quy định: “Trường hợp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách khác ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định của chức danh kiêm nhiệm”.
Như vậy, theo NĐ 33 thì trường hợp cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm cán bộ, công chức cấp xã phải đáp ứng điều kiện “giảm 01 người” trong số lượng được giao thì mới được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm; còn việc kiêm nhiệm người hoạt động không chuyên trách lại không đặt ra điều kiện “giảm 01 người” mới được hưởng phụ cấp.
Cùng quy định về hoạt động kiêm nhiệm, nhưng chưa thống nhất trong điều kiện để hưởng phụ cấp kiêm nhiệm cũng là một bất cập của NĐ 33, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho địa phương khi xây dựng quy định về kiêm nhiệm người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; ở thôn, tổ dân phố.
Cán bộ, công chức Bộ phận một cửa xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Nguyễn Xuân |
Một bất cập nữa là NĐ 33 giao địa phương quy định mức hỗ trợ hằng tháng đối với người trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố. Tuy nhiên, trong nghị định lại không nói rõ địa phương có được quy định chức danh đối với người trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố hay không. Trường hợp quy định mức hỗ trợ nhưng không quy định chức danh người trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố sẽ gây khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; không kiểm soát được số lượng người trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố, nên rất khó để phân bổ ngân sách chi hỗ trợ cho đối tượng này. Trường hợp địa phương quy định chức danh đối với người trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong triển khai thực hiện, nhưng lại không phù hợp với nội dung được giao quy định chi tiết tại nghị định.
Thiết nghĩ, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương cần nghiêm túc đánh giá việc triển khai NĐ 33; tăng cường kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, nhằm phát hiện các vướng mắc, bất cập để kiến nghị sửa đổi, bổ sung NĐ 33 trong thời gian tới.
Phan Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc