Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2024

18:27, 25/12/2023

Chiều 25/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tư pháp năm 2023, đánh giá kết quả công tác tư pháp giữa nhiệm kỳ và triển khai công tác năm 2024, định hướng nhiệm vụ công tác đến hết nhiệm kỳ (2021 – 2026). Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và UBND 63 tỉnh, thành trong cả nước. Tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh; Giám đốc Sở Tư pháp Phan Thị Hồng Thắng; đại diện các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Trong năm 2023, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện theo đúng phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” của Chính phủ, tiếp tục có nhiều đổi mới, quyết liệt, kịp thời, nổi bật. 

Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương tham dự Hội nghị triển khai công tác ngành Tư pháp - Ảnh: VGP/LS
Lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tham dự Hội nghị triển khai công tác ngành Tư pháp - Ảnh: chinhphu.vn.

Trong năm, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 16 dự án luật, 05 nghị quyết; đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 515 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Các địa phương đã ban hành 3.763 VBQPPL cấp tỉnh 2.523 VBQPPL cấp huyện và 1.750 VBQPPL cấp xã. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định 44 đề nghị xây dựng văn bản và 238 dự án, dự thảo VBQPPL; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 543 dự thảo VBQPPL; các địa phương đã thẩm định 7.404 dự thảo VBQPPL (riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Tư pháp thẩm định: 739 đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 1.896 dự thảo VBQPPL; các địa phương đã thẩm định 22.983 dự thảo VBQPPL). 

Toàn cảnh Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2024 - Ảnh: VGP/LS
Toàn cảnh Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2024 - Ảnh: chinhphu.vn.

Năm 2023, cả nước đã tổ chức được 436.362 cuộc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho gần 32,3 triệu lượt người; tổ chức 10.936 cuộc thi cho gần 11,5 triệu lượt người dự thi; phát hơn 44 triệu tài liệu tuyên truyền (từ đầu nhiệm kỳ, cả nước tổ chức gần 1,47 triệu cuộc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trực tiếp cho hơn 100 triệu lượt người); các hòa giải viên đã tiếp nhận 90.522 vụ việc, với tỷ lệ hòa giải thành công trung bình là 84,7% và nhiều địa phương có cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế tại địa bàn cơ sở (từ đầu nhiệm kỳ, cả nước tiếp nhận 302.172 vụ việc hòa giải và số hòa giải thành công là 259.554 vụ việc).

Nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tiếp tục được các Sở Tư pháp chủ động tham mưu đưa vào chương trình, kế hoạch và văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác phổ biến giáo dục pháp luật hằng năm. Tính đến nay có trên 10.000 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỉ lệ trên 95%.

Công tác thi hành án dân sự đạt hơn 575.000 việc, thu trên 89.000 tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay), trong đó có trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tăng gần 4.500 tỷ đồng so với năm 2022. 

Công tác trợ giúp pháp lý đã được triển khai đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các trung tâm trợ giúp pháp lý đã thực hiện 83.389 vụ việc, trong đó có 67.748 vụ việc tham gia tố tụng. 

Để công tác tư pháp đạt hiệu quả cao, ngành Tư pháp đã xác định 5 định hướng công tác đến hết nhiệm kỳ 2021 – 2026. Riêng trong năm 2024, ngành Tư pháp đã đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm, 15 nhiệm vụ cụ thể trong các lĩnh vực và xác định 6 giải pháp chủ yếu.

Bên cạnh đó, tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi nhiều giải pháp, kiến nghị, đề xuất góp phần nâng cao chất lượng công tác.

A
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Đắk Lắk.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và biểu dương thành tích, cũng như chia sẻ với những khó khăn của ngành Tư pháp trong thời gian qua.

Đồng thời, đồng chí yêu cầu trong năm 2024, toàn ngành Tư pháp cần tập trung các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như: tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện và thể chế hóa, tham mưu thể chế hóa đầy đủ các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kịp thời và có chất lượng; tính toán, sửa đổi, ban hành, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật được giao chủ trì soạn thảo, đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra. Nâng cao chất lượng công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống, nỗ lực tháo gỡ vướng mắc trong những quy định hiện hành.

Công tác xây dựng ngành cần bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác; giữ được niềm tin với công việc, vị trí công tác, hình ảnh và truyền thống của ngành Tư pháp; người lãnh đạo phải là tấm gương, hình ảnh mẫu mực.

Công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và hợp tác quốc tế cần đạt hiệu quả. Nâng cao hiệu quả, năng lực tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong giải quyết những tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bảo đảm quyền lợi của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp… 

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(Video) Cùng kiểm lâm giữ rừng 
Bên cạnh lực lượng kiểm lâm chuyên trách giữ rừng, Vườn Quốc gia Yok Đôn với chính sách giao khoán rừng cho người dân vùng đệm đã “biên chế” thêm hàng nghìn người dân cùng chung tay bảo vệ rừng, trở thành cánh tay đắc lực giữ vững màu xanh cho đại ngàn Yok Đôn.