Góp ý Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)
Sáng 28/5, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh; cán bộ Hội Phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 66 điều (tăng 8 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011). Trong đó sửa đổi, bổ sung nội dung 52/58 điều, xây dựng mới 9 điều, bỏ 1 điều.
Một số nội dung thay đổi so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 như: Bổ sung thuật ngữ về “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” nhằm tạo thống nhất trong cách hiểu thuật ngữ cũng như xác định rõ địa vị pháp lý; cụ thể hóa nhóm chính sách về quy định chế độ hỗ trợ; hoàn thiện quy định quyền của người đang trong quá trình xác định nạn nhân; sửa đổi bổ sung về quy định tiếp nhận, xác định và bảo vệ người trong quá trình xác định là nạn nhân; quy định về hỗ trợ chi phí phiên dịch đối với người nước ngoài, người dân tộc thiểu số…
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tô Thị Tâm phát biểu tại Hội thảo. |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến vào Dự thảo Luật, trong đó tập trung vào một số nội dung như: Cần đảm bảo bình đẳng giới, chú ý quan tâm thích đáng tới phụ nữ, phụ nữ mang thai, trẻ em gái, lấy nạn nhân làm trung tâm trong công tác phòng, chống mua bán người; thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, nhất là biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi. Công tác giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân cần phải kịp thời, chính xác; tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp, giữ bí mật thông tin và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
Đại diện Hội LHPN thị xã Buôn Hồ đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người. |
Bảo đảm nạn nhân được sử dụng ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được phù hợp với phong tục, tôn giáo, tập quán, giới tính và được hưởng các chế độ hỗ trợ phù hợp trong khuôn khổ của pháp luật. Cần ngăn chặn ngay từ những lĩnh vực dễ bị lợi dụng để mua bán người như: du lịch, xuất khẩu lao động, cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài… công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn về phòng ngừa mua bán người và vấn đề giới trong công tác thông tin tuyên truyền, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam trong Dự thảo Luật…
Hội thảo nhằm thực hiện trách nhiệm của Hội LHPN trong tham gia góp ý xây dựng chính sách, luật pháp được quy định tại Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”. Đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung của Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) cho phù hợp với tình hình thực tiễn và đảm bảo vấn đề bình đẳng giới.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc