“Dòng sông mơ tưởng”
Càng lên cao càng lắm sương mù, bầu trời đen như chiếc chảo thiếc úp. Mưa nặng hạt hơn và gió thổi ào ào. Nơi tôi đang đứng cùng già làng Ha Biêng là đỉnh dốc giữa buôn K’Nớh, buôn lớn nhất và nằm giữa trung tâm xã Đưng K’Nớh (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng).
Người già Ha Biêng nói, bây giờ định danh hành chính quê hương ông là Đưng K’Nớh, nhưng từ thời xưa ông bà đặt tên cho cái xứ nhiều ruồi vàng nằm lọt thỏm giữa rừng Bidoup này là “Dưng Kanrớh”, tiếng Kơ Ho bản địa có nghĩa là “bãi bằng huyền thoại”…
1.Nghe nói thế những tưởng là bằng thật, nhưng nơi này cũng lắm đèo, nhiều dốc. Những đèo dốc quanh co lúc ẩn, lúc hiện như cùng trôi trong màn sương khói bồng bềnh giữa ngày rét mướt trông gợi cảm như tranh thủy mặc. Men theo những con đường uốn lượn ngoằn ngoèo bên mép thung lũng là những buôn làng, những căn nhà cheo leo như tổ chim chênh vênh ngó xuống miệng vực. Đứng giữa sân nhà thờ, nơi cao nhất của Đưng K’Nớh, tôi mở tầm mắt về thung lũng sâu hoắm như không thấu tận và lờ mờ nhận ra một dòng chảy trông chỉ như một dải lụa trắng vắt qua chân núi. Những người Kơ Ho đứng bên bảo tôi, đó là con sông đầu nguồn mang tên Đạ Lôi.
Đạ Lôi, tiếng bản địa “đạ” là sông, là nước; còn “lôi” thì có nghĩa nôm na như là “giấc mơ” gì đấy mà nhà dân tộc học Đặng Trọng Hộ, một người am tường ngôn ngữ Kơ Ho dịch một cách hình tượng là “dòng sông mơ tưởng”. Ờ, đúng là dòng sông của những giấc mơ, hay là dòng sông tạo nên và nuôi dưỡng những giấc mơ. Giữa rừng già núi non trùng điệp, âm u, sâu thẳm một cách bí hiểm này thì tự ngàn xưa, những giấc mơ sẽ đưa tâm thức của cộng đồng cư dân đại ngàn gần hơn với siêu nhiên, gần hơn với những tưởng tượng thần tiên và giúp họ mở những cánh cửa vào thế giới của sắc màu huyền bí. Thuở xa xưa, trong đời sống tinh thần đồng bào hiện hữu nhiều mơ tưởng, sống trong không gian nhiệm mầu của thần linh che chở thì sẽ quên đi những âm u, tăm tối, quên phần nào cái khổ, cái nghèo, đói rét, bệnh tật.
Không chỉ ở Đạ Lôi, ở Đưng K’Nớh mới có những giấc mơ, trên miền núi cao Tây Nguyên, nơi nào cũng có những đỉnh núi, cánh rừng, dòng sông, con suối, cây cổ thụ, tảng đá lớn nhuốm sắc màu huyền thoại. Sinh tồn, hòa hợp cùng thiên nhiên phong nhiêu vừa là thực mà lại như là mơ, cộng đồng cư dân thiểu số đã sáng tạo nên một kho tàng văn hóa bản địa giàu có, đa dạng và hấp dẫn vô cùng. Hệ thống giá trị văn hóa từ ngàn xưa ấy mãi mãi ẩn tàng, lưu truyền tự nhiên trong huyết quản mỗi người con núi rừng, hiện hữu trong những nét bản sắc riêng của mỗi buôn làng mà tôi từng có dịp dừng chân…
Sơn nữ. |
2. Nói về nghĩa của những địa danh mang sắc màu huyền thoại như Đạ Lôi hay Đưng K’Nớh, hay rất nhiều buôn làng với những tên gọi thật giàu ý nghĩa, lại nghĩ đến sự định danh bằng những con số “thôn 1”, “thôn 2”, “thôn 3”… mà bây giờ đã trở nên phổ biến ở cả miền ngược, miền xuôi trên khắp nước mình. Cách định danh bằng số thì tiện về hành chính mà xướng lên lại thấy vô cảm, vô hồn. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng viết “Gánh cả tên xã tên làng theo mỗi cuộc di dân” (trường ca Mặt đường khát vọng). Cái cách nhà thơ diễn cảm là “gánh” cái hồn cốt của mỗi quê hương bằng cái tên mà tổ tiên, ông bà bám vào những đặc điểm riêng có của xứ sở rồi chọn chữ mà đặt, những cái tên đã sống động trong tâm thức cư dân bao đời, còn “gánh” mấy con số 1, 2, 3 thì… Chữ số thì nhẹ tênh mà cũng nhẹ cả cái ý nghĩa của những địa danh.
Nói đến đây, tôi chợt nhớ cái lần về sóc Bom Bo ở vùng Bình Phước, vùng chiến khu xưa từng nổi tiếng với bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của nhạc sĩ Xuân Hồng. Hồi đó, khi đã đứng giữa sóc Bom Bo mà tôi chẳng nhận ra, vì họ đã đặt tên mới cho sóc là “thôn 1, xã Bình Minh”. Già làng Điểu Lên cùng bà con S’Tiêng nơi này đã gửi gắm tâm nguyện với tôi là viết bài kêu lên trên xin “trả lại tên” Bom Bo cho sóc. Sau khi bài đăng lên báo, cũng may là chính quyền tỉnh, huyện nhìn nhận thấy nguyện vọng của đồng bào có lý, tên sóc được trả về nguyên bản, theo cái nghĩa ngày xưa mà người S’Tiêng đã bày tỏ tình yêu vào xứ sở của họ. Cũng bởi vậy mà bài hát nổi tiếng trong thời kháng chiến không phải đổi tên thành “Tiếng chày trên… thôn 1, xã Bình Minh” cho phù hợp với tên gọi mới…
Trong mạch cảm xúc ấy, lại nói về sông Đạ Lôi mà tôi đang ngắm. Dòng sông này bắt nguồn từ vùng K’Lon K’Lăn (tiếng Kơ Ho: vũng nước nhiều trăn), nơi tụ hợp của những con suối trên đỉnh cao nhất của đại ngàn Bidoup, lúc sông vượt qua núi đá thác ghềnh, lúc lững lờ hiền hòa cùng những thảm rừng nguyên sinh, những trảng cỏ mênh mông. Về đến miền Đưng K’Nớh này thì người Kơ Ho dòng Chill thân thương gọi tên là “dòng sông mơ tưởng”. Tôi cứ nhẩn nha nghĩ, cách gọi hình tượng đầy trìu mến ấy giống như một lời chia tay người bạn thân thiết để chỉ qua một quãng nữa thôi Đạ Lôi đã biến thành Krông Nô (dòng sông Cha) nổi tiếng phía xứ sở của người M’nông Gar (Đắk Lắk). Rồi cũng chỉ thêm một quãng nữa thôi, “dòng sông Cha” vượt dãy Chư Yang Sin rồi lại hợp hôn với “dòng sông Mẹ” Krông Ana để sinh thành sông Sêrêpốk huyền thoại. Sêrêpốk là một trong những con sông Việt Nam có dòng chảy lạ lùng. Con nước bắt nguồn từ núi rừng Bidoup phía nam Tây Nguyên, ngược lên nước bạn Campuchia, nhập vào Biển Hồ rồi từ đó hòa vào đại trường giang Mê Kông. Đến lúc này thì Sêrêpốk lại góp nước của mình xuôi về Cửu Long Giang và đổ ra Biển Đông của Tổ quốc. Con sông ấy chọn dòng trôi miên man qua bao thác, bao ghềnh, bao buôn, bao sóc rồi cuối cùng đã trở về với mạch nguồn đất mẹ, trở về với nơi chốn sinh thành. Nơi tôi đang đứng, Đạ Lôi, chính là khởi nguồn của dòng sông ấy và cuối nguồn lại là Biển Đông cuối đất Nam Bộ. Thiên nhiên thật kỳ thú và bí ẩn, cũng như dòng chảy lịch sử và văn hóa của đất nước lắm sông, nhiều núi của mình, có dành cả đời khám phá, suy nghiệm vẫn chỉ có thể hiểu được một vài phần nhỏ…
3. Lúc này đây, ở ngoài kia, dòng sông Đạ Lôi vẫn miệt mài trôi con nước thượng nguồn. Còn trong buôn làng, trong những ngôi nhà của người Kơ Ho vùng Đưng K’Nớh, có một dòng văn hóa miền thượng, một dòng tâm thức cội nguồn, nhiều đời nay vẫn được trao truyền, vẫn dạt dào tuôn chảy với bao sắc thái cảm xúc. Ngôi nhà tôi bước vào khi đêm buông đã lâu không bởi lời mời mà vì sự ấm áp đầy gợi cảm của bếp lửa đang reo tí tách. Nhà chỉ có hai người già, cụ ông Cil múp Ha Heng và cụ bà Ka Glình đều đã gần chín mươi mùa rẫy. Hai bậc cao niên của núi ngồi lặng lẽ, trầm ngâm trong dòng suy tưởng riêng. Người già Ha Heng nói với tôi rằng, hơn hai mươi năm rồi cả hai ông bà chưa một lần rời khỏi những cánh rừng quê nhà. Họ ít biết chuyện ở bên ngoài, nhưng chuyện thần linh, chuyện xưa buôn làng, chuyện đỉnh núi, dòng sông thì lời kể khó dứt. Tôi cảm nhận, cuộc sống với họ chỉ vậy thôi là đủ. Rừng sinh ra họ, rồi một mai này hồn cốt của họ lại trở về hòa lẫn vào màu xanh của rừng. Đang trò chuyện bên bếp mà hình như hai người già ấy đã lim dim ngủ. Và rồi, tiếng lách cách dệt thổ cẩm ở nhà bên cạnh lại lôi bước chân tôi rời khỏi bếp lửa người già Ha Heng - Glình mà không dám gửi lại lời chào sợ lay động giấc mơ. Thế rồi tôi lại khó rời khỏi những tấm vải miền thượng mà hoa văn mang sắc núi màu rừng cứ hình thành dần trong bàn tay và ánh mắt bà Ka Glòng. Người đàn bà dệt thổ cẩm giỏi nhất vùng Đưng K’Nớh vừa khom lưng xuống dệt vừa cất lên những giai điệu dân ca Kơ Ho da diết, mặc cho bóng tối phủ dày rừng núi, mặc cho mưa đêm rào rào rơi trên trảng cỏ tranh rậm rạp trước hiên nhà…
Đêm sơn cước này, đôi chân tôi lại được thả bước an nhiên trong màn sương huyền ảo, giữa không gian thiên nhiên huyễn hoặc, thâm u tràn từng cơn gió lạnh ngấm buốt da thịt. Không biết cảm xúc nào đã khiến tôi tự ngân nga giai điệu: “Anh gọi núi, núi không trả lời/ Anh gọi suối, suối vẫn dịu dàng/ Anh gọi gió, gió vẫn bay đi/ Anh gọi em, em có nghe không?...”. Tiếng hát của người lữ hành hòa vào những thanh âm đại ngàn, hòa vào tiếng suối Liêng Lơhìr róc rách bên thung. Cảm xúc bay theo cánh chim đang sải cánh về triền núi xa mà còn vọng lại tiếng gọi bầy tha thiết. Đêm buốt giá giữa mênh mang núi nước đầu nguồn có gì đó nao buồn nhưng cũng thật thẳm sâu những dòng suy tưởng. Tôi chập chờn giấc ngủ của mình bên dòng sông mang tên giấc mơ trong thanh âm huyền diệu của gió núi, mưa rừng…
Uông Thái Biểu
Ý kiến bạn đọc