Multimedia Đọc Báo in

Giấc mơ trên cao nguyên M'nông

10:46, 26/08/2022

Bao nhiêu năm rồi, nửa thế kỷ hoặc lâu hơn khi bước chân những lưu dân từ các tỉnh duyên hải miền Trung lên đây hay kể từ khi tỉnh mới Đắk Nông được thành lập, Gia Nghĩa như một giấc mơ đang dần biến thành hiện thực. Tất cả đang cùng mở ra, lam lũ và kiên nhẫn. Cũng như người dân nơi đây, đợi chờ và tràn đầy hy vọng…

Vùng đất này còn có một tên gọi khác: Cao nguyên Mơ Nông. Tên gọi xuất phát từ sự cư trú lâu đời của đồng bào dân tộc bản địa M’nông ở phía nam cao nguyên. Trong dòng chảy lịch sử còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá, vùng đất này được phát hiện tương đối muộn. Cách đây chừng trăm năm trở về trước, cao nguyên M’nông chỉ toàn rừng già, sông suối chằng chịt và thưa thớt những bon làng. Người M’nông sống đơn giản, trong môi trường gần gũi với thiên nhiên, một thế giới hoang sơ và khép kín.

Bảo Đại - vị vua sau cùng của triều Nguyễn và dư âm triều đại phong kiến cuối cùng gắn bó với cao nguyên M’nông bằng sự xác định vương quyền ở nơi gọi là “Hoàng triều cương thổ”. Sau này, khi thay thế Bảo Đại và làm tổng thống chế độ Sài Gòn, Ngô Đình Điệm đã nhận ra vị trí chiến lược của cao nguyên M’nông. Một loạt các sắc lệnh được Ngô Đình Diệm ký trong đó có sắc lệnh thành lập tỉnh Quảng Đức vào năm 1959 với ý nghĩa thâm nho và kiêu ngạo. Gia Nghĩa bấy giờ thuộc tỉnh Quảng Đức và chỉ là một xóm chợ nhỏ với vài ba hộ gia đình người Kinh lưu lạc.

Thành phố trẻ Gia Nghĩa. Ảnh: Ngọc Trí

Lần đầu tiên tôi đến, Gia Nghĩa hãy còn là thị xã tỉnh lỵ. Ngay giữa trung tâm thị xã, ông Sang, chủ Hiệu giày và Nhà hàng Tân Tân là một trong số ít người có mặt ở Gia Nghĩa cách đây nửa thế kỷ. Vốn gốc người Nam Định vào Nam sau Hiệp định Genève, cuộc mưu sinh đã khiến ông phiêu dạt đến nơi chỉ toàn rừng và rừng. Ông kể lại: “Hồi đó tứ phía là rừng, đêm nằm phải đốt lửa, nằm sát vào nhau vì sợ cọp tha…”.

Từ những năm 59, 60 thế kỷ trước, bộ máy chiến tranh chế độ Ngô Đình Diệm sớm nhận thấy rừng núi ở Đắk Nông hoang vu, dễ dàng cho những đội quân luồn rừng từ Bắc vào Nam, trong khi nhiều nơi khác cần phải đàn áp người dân bằng phong trào “Tố Cộng, diệt Cộng”. Vậy là, một công đôi việc, công cuộc Dinh điền ra đời mà thực chất là sự cách ly người dân các tỉnh duyên hải miền Trung với với phong trào cách mạng. Vậy là, buộc phải theo chính sách Dinh điền, từ bờ nam của vĩ tuyến 17, nhiều gia đình phải rời bỏ làng mạc vào nơi lam sơn chướng khí.

Ông Nguyễn Tùy quê gốc Quảng Trị theo gia đình vào Gia Nghĩa lúc mới 6 tuổi. Trong ngôi nhà ở vùng ven thị xã lúc bấy giờ, ông Tùy cùng người mẹ của ông nhớ lại những năm tháng đầu tiên khi mới lên đây, thiếu thốn trăm bề thậm chí nhiều nơi đường đi còn chưa có. Ông Tùy kể: “Hồi đó, đường sá khó khăn, ở đây muốn mua bán cái gì cũng khó. Thành ra sống như là tự cung tự cấp, cái ăn cái mặc tự làm ra, chỉ trữ những thứ tối cần thiết như muối, mắm, dầu đèn thắp sáng, thực phẩm khô…”.

Những con đường chưa có để đi nhưng con đường cách mạng thì đã có sẵn trong lòng người dân yêu nước. Chính vào giai đoạn này, hàng loạt cán bộ, chiến sĩ là con em miền Nam tập kết ra bắc trở về, cán bộ cách mạng ở vùng tạm chiếm và nhiều đồng bào dân tộc bản địa ở Tây Nguyên đã bí mật có mặt tại Quảng Đức và Gia Nghĩa. Vợ chồng ông Lê Trúc Phương và bà H’Hồng (ông Lê Trúc Phương nguyên là Bí thư Huyện ủy Đắk Nông) cùng những người bạn già của họ là thế hệ chiến sĩ có mặt sớm nhất ở chiến trường Quảng Đức. Nơi đây, cuộc đời họ có hơn một phần tư thế kỷ đầy hy sinh gian khổ. Ông Phương và bà H’Hồng tâm sự: “Gian khổ, ác liệt lắm. Nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh giữa rừng già, nhiều người hy sinh vì bom đạn nhưng cũng có người hy sinh vì bệnh tật, vì thú dữ, vì núi rừng, thác ghềnh nguy hiểm… Nhưng rồi, chúng tôi, những người còn sống, thay mặt cho cả những người đã khuất, đi đến ngày chiến thắng”.

Có thể nói, giấc mơ Gia Nghĩa bắt đầu từ khi còn là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Đức. Với địa hình rừng núi, đồi dốc, kiến trúc sư tài danh Ngô Viết Thụ, một kiến trúc sư nổi tiếng với các công trình do ông phác thảo trước năm 1975 như Dinh Độc Lập, Viện Nguyên tử Đà Lạt, nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam… đã từng có dự án quy hoạch nơi đây trở thành đô thị sánh với Đà Lạt. Nhưng rồi chiến tranh và cả một thời gian gần 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, vì nhiều lý do, Gia Nghĩa vẫn chỉ mang hình ảnh của phố thị vùng cao heo hút. Mãi sau này, giấc mơ ấy mới có cơ hội biến thành hiện thực khi tỉnh mới Đắk Nông được thành lập và Gia Nghĩa trở thành thị xã tỉnh lỵ. Chỉ trong vòng trên dưới một thập niên, Gia Nghĩa đã có những phác thảo đầu tiên cho gương mặt đô thị hiện đại. Và nỗ lực ấy đã được tưởng thưởng xứng đáng, từ ngày 1/1/2020, Gia Nghĩa chính thức trở thành thành phố.

Bình minh trên cao nguyên M’nông. Ảnh: Ngọc Tâm

Hơn ai hết, thế hệ những người như vợ chồng ông Lê Trúc Phương luôn kỳ vọng vào mảnh đất họ từng sống và chiến đấu. Từ một vùng rừng núi hoang sơ, trong vòng nửa thế kỷ, Gia Nghĩa được nhiều người biết đến như nét chấm phá ngoạn mục trên con đường 14 nối Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ và TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có các tuyến đường quan trọng khác như đường 28 sang TP. Đà Lạt của cao nguyên Langbiang.

Năm tôi đến Gia Nghĩa lần đầu, công trình thủy điện Đắk RTit đang chuẩn bị chặn dòng. Đây là dòng sông đầu nguồn của sông Đồng Nai, có lưu lượng nước khá lớn chảy ngang qua thị xã Gia Nghĩa. Từ công trình thủy điện này, các nhà quy hoạch có ý tưởng xây dựng một Gia Nghĩa quanh trục thủy lộ Đắk RTit. Và những công trình xây dựng ở đây, cũng theo đó, được thiết kế men theo các đồi thông, các khu rừng, tất cả cùng hướng tới một đô thị xanh, hòa hợp với thiên nhiên, núi rừng, sông suối. Trong ngổn ngang, bề bộn của Gia Nghĩa lúc bấy giờ, có thể hình dung một phần ý tưởng của các nhà quy hoạch Gia Nghĩa trong tương lai. Những hồ nước ngay giữa lòng thị xã sẽ tạo nên dáng vẻ thơ mộng không khác mấy với so với hồ Xuân Hương giữa lòng Đà Lạt.

Ông Nguyễn Dõng, Trưởng Ban Quản lý dự án quy hoạch Gia Nghĩa cho chúng tôi biết: Dọc ven theo dòng chảy của sông Đắk RTit và những chiếc hồ, mai kia sẽ mọc lên những cây cầu được thiết kế như những điểm nhấn. Riêng những công trình xây dựng, các nhà quy hoạch đang nghĩ đến việc thiết kế các tòa nhà công sở, các ngôi biệt thự với dáng vẻ riêng, rất giống với Đà Lạt nhưng lại mang phong cách khác bởi không rập khuôn nét kiến trúc cổ điển do người Pháp dựng nên.

Vẫn còn những khoảng cách từ ý tưởng đến hiện thực. Tuy nhiên hơn nửa thế kỷ kể từ khi vùng rừng núi hoang sơ có tên Gia Nghĩa đến thành phố tỉnh lỵ của Đắk Nông bây giờ đã hình thành phác thảo một diện mạo đô thị rõ rệt. Gần cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất này, những người như vợ chồng ông Phương luôn hy vọng và mong mỏi một Gia Nghĩa phát triển bề thế, tương xứng với tiềm năng. Tất cả, vẫn còn ở phía trước, trong một dự phóng đầy màu sắc tươi sáng của vùng đất phía Nam cao nguyên.

 Theo gia đình vào đây lập nghiệp từ năm 6 tuổi, ông Nguyễn Tùy là thế hệ thứ hai của những lưu dân từ miền Trung lên với miền đất Đắk Nông xa xôi. Ông Tùy nói rằng ông từng ước mơ làm giàu trên mảnh đất này và đã thực hiện được ước mơ của mình. Trang trại cà phê của ông Tùy nằm ở vùng ven Gia Nghĩa. Cách đây 20 năm, cả vùng đồi hoang hóa được ông cày xới, giờ đã bạt ngàn cà phê và hồ tiêu. Mỗi năm từ trang trại ông thu về hàng trăm triệu đồng.

Khi chia tay, chúng tôi hỏi ông nghĩ gì về tương lai Gia Nghĩa, ông Tùy nói đơn giản, rằng con người ta khi biết ước mơ, biết gieo xuống một hạt giống khát vọng thì chắc chắn sẽ có ngày gặt hái...

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.