Multimedia Đọc Báo in

Phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa dân gian

07:15, 12/10/2022

Trong tháng 9 vừa qua, Chủ tịch nước đã có quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho nhiều cá nhân có cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có 17 nghệ nhân ưu tú được phong tặng và 3 người được truy tặng. Nhân sự kiện này, Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông ĐẶNG GIA DUẨN, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian.

 

♦ Thưa ông, xin ông cho biết cụ thể hơn về quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho các nghệ nhân trên địa bàn tỉnh?

- Trong hai quyết định phong tặng và truy tặng các nghệ nhân ưu tú của cả nước, tỉnh Đắk Lắk có 17 cá nhân được phong tặng danh hiệu này, gồm một người là nghệ nhân tri thức dân gian, và 16 người là nghệ nhân nghệ thuật trình diễn dân gian; và 3 nghệ nhân đã mất được truy tặng nghệ nhân ưu tú về nghệ thuật trình diễn dân gian.

Có thể nói, đây là dấu mốc đặc biệt về hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của tỉnh, có ý nghĩa tổng kết một chặng dài địa phương nỗ lực tham gia giữ gìn, bảo vệ các giá trị di sản văn hóa, các hoạt động văn hóa phi vật thể tại địa bàn, tại các cấp cơ sở. Những nghệ nhân được phong tặng hay truy tặng danh hiệu là những chứng nhân lịch sử quan trọng về những giá trị văn hóa dân gian của cả vùng Tây Nguyên, một vùng miền văn hóa đặc sắc, độc đáo, đáng được ghi nhận, bảo vệ, phát huy, giữa dòng chảy văn hóa dân tộc Việt Nam chúng ta.

Việc phong tặng, truy tặng này diễn ra sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ghi nhận hai hoạt động Lời nói vần của người Êđê và Lễ mừng thọ của người M’nông. Như thế, về mặt Nhà nước, những thành quả văn hóa và con người tham gia bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số tại chỗ ở Đắk Lắk – Tây Nguyên đều được ghi nhận, tạo cơ hội để địa phương thúc đẩy tốt hơn các hoạt động phát huy và tôn vinh các giá trị này.

♦ Vậy chính quyền tỉnh Đắk Lắk và ngành quản lý văn hóa đến nay đã có các hoạt động nào, nắm bắt và thúc đẩy những đánh giá, ghi nhận này, trong chương trình hành động thiết thực của mình kể từ cuối năm 2022 này, thưa ông?

Ngay sau khi được công bố có hai di sản văn hóa phi vật thể, UBND tỉnh với sự tham mưu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan quản lý chức năng liên quan lập tức đưa ra dự thảo Kế hoạch Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023 – 2025.

Dự thảo này hiện đang được lấy ý kiến từ các cơ quan, cấp, ngành quản lý để sớm hoàn chỉnh, ban hành nhằm triển khai đồng bộ, nhất quán trên phạm vi toàn tỉnh, nhất là ở các địa bàn cơ sở có di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Về cơ bản, kế hoạch này là kịch bản, lộ trình chủ chốt để Đắk Lắk hiện thực hóa công tác xúc tiến đầu tư, tổ chức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa di sản từ cả góc độ tuyên truyền vận động, giáo dục bồi dưỡng, đến tổ chức phục dựng, trình diễn các hoạt động văn hóa, khai thác xã hội hóa, xây dựng các chính sách bảo vệ, chăm lo cho các nghệ nhân, bảo tồn các di sản…

Về các nghệ nhân, thực tế việc lập danh sách đề nghị đã được ngành văn hóa tiến hành trong hơn một năm qua, dựa trên những hoạt động thực tiễn tận cấp cơ sở. Các nghệ nhân ưu tú được phong tặng, phần lớn đều đã cao tuổi, đang tham gia các hoạt động văn hóa tại địa phương, đóng góp rất tích cực vào công cuộc bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống.

Không gian chính của các hoạt động văn hóa này, chủ yếu liên quan đến văn hóa cồng chiêng các dân tộc tại Đắk Lắk, đều đang là lĩnh vực địa phương rất quan tâm, duy trì, như tổ chức thường niên Liên hoan văn hóa cồng chiêng tỉnh, huyện… và tại các hoạt động lễ hội địa phương.

Do đó, qua việc được công nhận thêm nghệ nhân ưu tú, ngành văn hóa tỉnh càng có điều kiện tập trung hơn nữa vào việc chăm sóc con người, vận động các hoạt động phục dựng, bảo tồn phát huy liên quan.

♦ Cụ thể trong hoạt động văn hóa gắn với phục hồi du lịch Đắk Lắk, địa phương đã và đang có những trù liệu nào về hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian, tổ chức khai thác tốt các giá trị văn hóa từ các nghệ nhân, thưa ông?

Tôi được biết chính quyền tỉnh đã có chỉ đạo về việc Đắk Lắk sẽ có một nghị quyết riêng về xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, đãi ngộ hoạt động, sinh hoạt đời sống cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhất là các nghệ nhân ưu tú.

Khi nghị quyết được thông qua, chắc chắn đời sống của các nghệ sĩ, nghệ nhân tại Đắk Lắk sẽ có thay đổi tích cực. Đây sẽ là động thái quan trọng nhất thể hiện sự quan tâm từ chính quyền tỉnh, tạo cơ hội thuận lợi cho các hoạt động hỗ trợ khác từ các cấp, ngành quản lý.

Riêng với ngành văn hóa và du lịch, hoạt động thúc đẩy phát triển các giá trị văn hóa dân gian, đặc biệt về diễn xướng dân gian đã được đề cao trong nhiều năm qua. Cho đến nay, tại các sự kiện lễ hội địa phương, như lễ hội cà phê từ cấp huyện xã, cho đến các sự kiện văn hóa lớn như liên hoan cồng chiêng tỉnh, đều có các hoạt động tổ chức trình diễn văn hóa dân gian.

Tại các điểm đầu tư du lịch, các điểm đến du lịch ở địa bàn, gồm cả các cơ sở đầu tư quy mô cũng đang hình thành những điểm biểu diễn, hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian, rất được du khách tán thưởng và quan tâm.

Tất cả đang thể hiện một tinh thần huy động, tổ chức tốt hơn các hoạt động văn hóa dân gian Tây Nguyên, tạo những giá trị và lợi thế đặc biệt cho du lịch và đời sống địa phương phát huy tốt nhất các giá trị văn hóa, tôn vinh những nghệ nhân địa phương và phát triển những cơ hội bền vững, nâng cao hơn nữa những giá trị văn hóa dân gian.

♦ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thụy Bất Nhi (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.