An toàn vệ sinh lao động: Trách nhiệm từ nhiều phía
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là nhiệm vụ quan trọng trong sản xuất, kinh doanh. Để hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn lao động xảy ra, ngoài sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương thì cả người sử dụng lao động và người lao động phải nâng cao nhận thức, tuân thủ các nguyên tắc ATVSLĐ để tự bảo vệ chính mình.
Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội NGUYỄN HOÀNG GIANG.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Hoàng Giang. |
♦ ATVSLĐ có vai trò quan trọng, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân lao động. Ông đánh giá thế nào tình hình ATVSLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh?
Thời gian qua, công tác ATVSLĐ luôn được tỉnh Đắk Lắk chú trọng và ngày càng đi vào nền nếp. Nhờ tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động, người lao động và thanh, kiểm tra doanh nghiệp về công tác ATVSLĐ nên điều kiện làm việc của người lao động được tăng cường, từng bước hình thành phong trào thi đua bảo đảm ATVSLĐ, xây dựng văn hóa an toàn trong lao động. Tần suất tai nạn lao động chết người trong một số lĩnh vực có nguy cơ cao như khai thác khoáng sản, xây dựng, sử dụng điện... có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo đảm ATVSLĐ vẫn còn nhiều hạn chế. Qua các cuộc thanh, kiểm tra cho thấy: Việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của một số doanh nghiệp chưa nghiêm, nhiều người lao động chưa được huấn luyện ATVSLĐ, nhất là trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phần lớn người lao động chưa quen với tác phong công nghiệp, hạn chế về kỷ luật lao động. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa đo, kiểm tra định kỳ các yếu tố có hại trong môi trường lao động. Do đó, hằng năm trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra các vụ tai nạn lao động. Cụ thể, năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ tai nạn lao động, làm 6 người chết.
♦ Để nâng cao chất lượng môi trường làm việc, hạn chế xảy ra tai nạn lao động cần có giải pháp như thế nào, thưa ông?
ATVSLĐ là vấn đề mang tính chất hệ thống, lâu dài. Để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn lao động xảy ra đòi hỏi sự phối hợp giữa người lao động và người sử dụng lao động. Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm nơi làm việc phải đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và định kỳ kiểm tra, đo lường các yếu tố đó; đảm bảo máy, thiết bị, vật tư, chất được sử dụng, vận hành, bảo trì, bảo quản tại nơi làm việc theo quy chuẩn kỹ thuật về ATVSLĐ. Hằng năm tổ chức kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để loại trừ, giảm thiểu yếu tố nguy hiểm. Đồng thời cung cấp đầy đủ cho người lao động các phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại…
Về phía người lao động có nghĩa vụ chấp hành quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về ATVSLĐ của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao; tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc; phải tham gia huấn luyện ATVSLĐ trước khi sử dụng các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi biết tai nạn lao động, sự cố hoặc phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp…
Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền; thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng. Qua đó hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về ATVSLĐ
Công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm. |
♦ Một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất quan tâm, đó là để được nhận kinh phí huấn luyện ATVSLĐ thì cần có điều kiện gì, mức hỗ trợ như thế nào?
Để được hỗ trợ kinh phí huấn luyện ATVSLĐ đòi hỏi người sử dụng lao động phải liên tục đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng đề nghị hỗ trợ huấn luyện từ đủ 12 tháng trở lên cho đến tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện ATVSLĐ; thuê tổ chức huấn luyện có đủ điều kiện theo quy định hoặc tự huấn luyện ATVSLĐ cho đối tượng đề nghị hỗ trợ huấn luyện lần đầu hoặc huấn luyện định kỳ theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Thực hiện báo cáo định kỳ công tác ATVSLĐ, báo cáo tình hình tai nạn lao động của năm trước liền kề năm đề nghị cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo đúng quy định của pháp luật.
Người sử dụng lao động được nhận kinh phí hỗ trợ tối đa một lần trong vòng 24 tháng với mức 70% chi phí huấn luyện thực tế cho từng đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ huấn luyện.
♦ Xin cảm ơn ông!
Như Quỳnh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc