Multimedia Đọc Báo in

Phương Nam du ký (bài 1)

08:20, 07/01/2024

LTS: Trong chuyến đi vào Nam Bộ mới đây, nhà báo Phạm Xuân Dũng đã ghi lại những quan sát, trải nghiệm thú vị ở vùng đất phương Nam.

Báo Đắk Lắk trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài du ký này.

Bài 1: Về lại Tây Đô

Chặng dừng chân đầu tiên của tôi trong chuyến “giang hồ vặt” tranh thủ dịp cuối năm ở phương Nam là Cần Thơ. Vùng đất này còn có tên khác không chính thức là Tây Đô, một mỹ tự, như người xưa nói: “Y phục xứng kỳ đức”, đúng nghĩa là thủ phủ của miền Tây Nam Bộ từ xưa đến nay.

Thương hiệu Tây Đô

Đến Cần Thơ sẽ thấy có nhiều khách sạn, nhà hàng, quán xá… mang tên Tây Đô như là một thương hiệu bên cạnh tên gọi chính thức Cần Thơ. Một câu hỏi tự nhiên không thể không bật ra, đó là: Tên gọi Tây Đô có tự bao giờ?

Cần nói ngay rằng từ trước đến nay, chưa có văn bản chính thức nào của Nhà nước gọi Cần Thơ là Tây Đô. Có ý kiến cho rằng Phạm Quỳnh là người gọi Cần Thơ là Tây Đô. Đúng là học giả Phạm Quỳnh, khi làm chủ bút báo Nam Phong từng vào Nam Bộ năm 1918, sau đó xuất bản cuốn sách ghi lại chuyến đi của mình với nhan đề “Một tháng ở Nam Kỳ” (NXB Hội Nhà văn đã in lại vào năm 2018). Nhưng trong cuốn sách này Phạm Quỳnh cũng chỉ ca ngợi Cần Thơ xinh đẹp, có nơi còn đẹp hơn cả Sài Gòn (sau này được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”) và “Cần Thơ là tỉnh thành lớn nhất miền Tây, người ta gọi là thủ đô miền Tây…”. Như vậy là cũng vinh danh Cần Thơ rất cao và điều này cũng xứng đáng, phù hợp thực tế, nhưng cũng không hẳn gọi Cần Thơ là Tây Đô. Vì vậy, tên gọi Tây Đô chắc hẳn ra đời sau cuốn du ký của tác giả Phạm Quỳnh.

Du khách xem làm bánh hủ tiếu ở chợ nổi Cái Răng.

Cố đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Cung Bắc có một bộ phim truyện có thể gọi là để đời có tên là “Người đẹp Tây Đô”. Bộ phim lấy bối cảnh chính là Cần Thơ, với nguyên mẫu là chiến sĩ cách mạng, nữ tình báo Lâm Thị Phấn hoạt động trong lòng địch. Cuộc đời của bà được nhà văn Trầm Hương viết thành tiểu thuyết “Người đẹp Tây Đô” và được chuyển thể thành bộ phim truyện cùng tên như đã nói. Bộ phim đã được khán giả cả nước đón nhận nồng nhiệt, được giới chuyên môn đánh giá cao và qua đó càng quảng bá thương hiệu tên gọi Cần Thơ - Tây Đô, mời gọi du khách gần xa và các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với mảnh đất này.

Văn nghệ ở bến Ninh Kiều

Anh lái xe taxi dân địa phương vui vẻ, cởi mở như bao người miền Tây, vừa lái vừa trò chuyện rôm rả. Anh hỏi tôi có biết Cần Thơ không, tôi đáp mình có dịp vô đây ở lại vài ngày nên cũng đủ biết đất này, không đến nỗi lạ lẫm. Anh ồ lên và nói: “Vậy là anh Hai rành sáu câu…”. Chà, câu rất bình thường, rất quen thuộc ở miền Tây vậy mà đã lâu rồi mới được nghe lại và do chính bà con ở đây thốt lên. Miền Tây là vậy, không lý luận cao siêu, không chữ nghĩa dông dài. Ai biết điều gì đó, hiểu về vùng đất nào đó… thì cứ gọi chung rất ngắn gọn, mộc mạc, dễ hiểu: “Rành sáu câu…”. Sáu câu ở đây là sáu câu vọng cổ, bởi vì dân miền Tây ghiền nhất vẫn là ca vọng cổ, vui cũng vậy mà buồn cũng vậy, lễ cũng ca mà hội cũng ca, như cơm ăn nước uống, như không khí hít thở hằng ngày. Cho nên, dường như mọi thứ đều ví von với sáu câu vọng cổ.

Du thuyền trên bến Ninh Kiều.

Lấy phòng trọ ngay sát bến Ninh Kiều đã đi nhiều vào thơ và nhạc, chúng tôi đi dạo đúng vào đêm chủ nhật. Chợ đêm Ninh Kiều với bảng hiệu ấn tượng thu hút khá đông du khách.

Ven sông, những con thuyền du lịch đèn điện đủ sắc màu trông rất lộng lẫy. Thỉnh thoảng một chiếc du thuyền khá lớn chạy ngang vang tiếng hát của văn nghệ sông nước vào ngày nghỉ cuối tuần. Mấy anh bạn trẻ đi cùng tôi có vẻ thích thú với kiểu du ca miền Tây phóng khoáng.

Đi tiếp theo công viên Ninh Kiều sẽ thấy tấm bản đồ ghi dấu lịch sử về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, các bạn trẻ dừng lại chụp ảnh bên tấm bản đồ. Chúng tôi đi tiếp lại gặp một chương trình văn nghệ giữa trời do một nhóm bạn trẻ tổ chức. Cách làm gọn nhẹ, một người giới thiệu, hai nhạc công, còn người hát thì từ khán giả. Công chúng đứng vòng tròn chung quanh đầy hào hứng.

Nhạc xưa, nhạc nay thôi thì đủ cả, nói theo kiểu Nam Bộ là tân cổ giao duyên. Sinh hoạt kiểu này gần giống như ven Hồ Gươm ở Hà Nội. Đi thêm chừng trăm mét nữa lại thấy một nhóm bạn trẻ chừng 4 - 5 người ngồi bệt đàn thùng, hát cho nhau nghe. Có đến vài nhóm như thế dọc theo bến Ninh Kiều. Kiểu sinh hoạt văn nghệ này lành mạnh lại khá văn minh, lịch sự mà thoải mái, tự do, không làm phiền người khác. Đó là điều mới theo tôi cần được khích lệ, nhất là với lớp trẻ sau 10 năm trở lại Ninh Kiều.

(Còn nữa)

Bài 2:  Trải nghiệm Bạc Liêu

Phạm Xuân Dũng


Ý kiến bạn đọc