Multimedia Đọc Báo in

Thăm ngôi chùa cổ vùng Đông Nam Bộ

08:35, 08/08/2021

Giữa ồn ào, náo nhiệt của khu đô thị sầm uất ở vùng Đông Nam Bộ có một ngôi chùa cổ hơn 400 năm tuổi. Đó là chùa núi Châu Thới, tọa lạc tại phường Bình An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Từ xa, phật tử và du khách có thể định hướng được danh thắng bởi bức tượng Phật Quan Âm đứng an nhiên trên núi.

Chùa núi Châu Thới (còn gọi là Châu Thới Sơn Tự) nằm trên ngọn núi cùng tên cao 82 m. Theo sư trụ trì Thích Huệ Tông và nhiều tài liệu tham khảo ở chùa thì Châu Thới Sơn Tự được xây dựng từ năm 1612 trên nền cũ của một thảo am, thuộc hệ phái Bắc tông. Lúc bấy giờ thiền sư Khánh Long (đời thứ tư thiền phái Liễu Quán) - người lập chùa - đã đặt tên là “Hội Sơn Tự”. Trải qua vài đời trụ trì, chùa đổi thành Châu Thới Sơn Tự như ngày nay.

Cổng chùa Châu Thới.

Tuy vậy, có nhiều tài liệu lại cho rằng chùa được xây dựng năm 1681. Ở giữa chùa có một tấm biển đề “Tân Dậu niên, chánh ngoạt sơ kiến nhật” (ngày tốt đầu tháng Giêng năm Tân Dậu), bên dưới ghi 1612, có thể hiểu chùa được xây vào năm 1612. Nhưng Thượng tọa Thích Huệ Thông lại cho rằng lấy năm Tân Dậu (1681) là năm dựng chùa thì hợp lý hơn, vì năm 1612 là năm Nhâm Tý. Dù cho chùa được xây dựng vào năm 1612 hay 1681 thì đây vẫn là ngôi chùa cổ xưa nhất ở vùng Đông Nam Bộ.

Từ cổng “Châu Thới Sơn Tự” dưới chân núi Châu Thới, du khách có thể tìm đường lên núi bằng hai cách. Người thích đi bộ, tập thể dục có thể men theo 220 bậc thang dốc đứng để lên núi. Đặc biệt, ở bậc thang thứ 170, du khách sẽ bắt gặp một hòn đá to, lúc nào cũng nhang khói nghi ngút áng giữa lối đi mà người dân địa phương gọi là “ông Tà” - vị thần giữ cửa chùa. Nếu sức khỏe không cho phép, du khách có thể đi cổng thứ hai, chạy xe lên thẳng chùa. Đây là con đường mở năm 2012 để phật tử và du khách thuận tiện lên chùa vãn cảnh cũng như vận chuyển hàng nhu yếu phẩm.

Kiến trúc chùa chính gồm một quần thể bao gồm: ngôi chánh điện, nhà Tổ, điện Thiên Thủ Thiên Nhãn, miếu thờ Linh Sơn thánh mẫu, điện thờ Diêu Trì kim mẫu và Ngũ Hành nương nương (thuộc tín ngưỡng dân gian). Cấu trúc mái trên chánh điện theo kiểu tứ tượng. Chùa sử dụng những mảnh gốm sứ đắp lên các con rồng ở cuối các đầu đao của mái chùa.

Cổng tam quan.

Hiện chùa còn lưu giữ hai đại hồng chung đúc vào năm 1988 (theo mẫu của chùa Thiên Mụ - Huế, nặng 1,5 tấn) và năm 2003 (nặng khoảng 5 tấn). Theo Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Dĩ An, trong chùa núi Châu Thới hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ giá trị, với khoảng 55 hiện vật đã được xếp loại: Bộ tượng Thập bát La Hán, Thập Điện Minh Vương bằng đất nung, tượng Bà Chúa Xứ bằng đá xanh... Trong đó, giá trị nhất phải kể đến là ba pho tượng Phật tạc bằng đá có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ 18 và một pho tượng Quan Âm tạc từ gỗ cây mít trên 100 năm tuổi.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, núi Châu Thới là nơi trú ẩn của nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Năm 1989, chùa núi Châu Thới được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Nguyễn Hoàng Duy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Cùng kiểm lâm giữ rừng 
Bên cạnh lực lượng kiểm lâm chuyên trách giữ rừng, Vườn Quốc gia Yok Đôn với chính sách giao khoán rừng cho người dân vùng đệm đã “biên chế” thêm hàng nghìn người dân cùng chung tay bảo vệ rừng, trở thành cánh tay đắc lực giữ vững màu xanh cho đại ngàn Yok Đôn.