Multimedia Đọc Báo in

Phương Nam du ký (bài 3)

09:24, 21/01/2024

Bài 3: “Nghe nói Cà Mau xa lắm…”

Suốt chuyến đi đến vùng đất địa đầu Tổ quốc, trong chúng tôi cứ ngân nga câu hát trong ca khúc đậm chất miền Tây Nam Bộ của nhạc sĩ Thanh Sơn: “Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam/ Ngại chi đường xa không tới, về để nói với nhau mấy lời”…

Đến thăm ngôi chùa Khmer nổi tiếng

Chúng tôi đến thăm ngôi chùa Khmer nổi tiếng ở TP. Cà Mau có tên Monivonsa BoPharam, dịch từ tiếng Pali - Phạn ngữ theo kinh điển Phật giáo có nghĩa là “Liên Hoa tự”, tức chùa Hoa Sen - ngôi chùa được xem là thiêng liêng bậc nhất đối với đồng bào Khmer ở miền Tây Nam Bộ.

Được biết, năm 1964 Đại đức Thạch Kên người Khmer đứng ra kêu gọi bà con Phật tử phát nguyện hằng tâm, hằng sản xây dựng nên ngôi chùa Monivonsa BoPharam với kiến trúc đặc trưng của Phật giáo Nam Tông gắn với bản sắc dân tộc Khmer. Chùa ngoài chính điện còn có sala, tháp đựng cốt, am thờ… màu sắc chủ đạo là đỏ và vàng tượng trưng cho may mắn, còn các hình trang trí thì chủ yếu là tiên nữ và quái thú, tượng trưng cho những thử thách cần phải trải qua trước chánh quả.

Chúng tôi đứng ngắm cổng chùa hướng về phía mặt trời mọc, phía trên là hình tượng ba tòa tháp, tượng trưng cho tam bảo, ngoài ra còn có nhiều cổng phụ ngụ ý cửa thiền từ bi rộng mở chào đón người đời. Bước vào khỏi cổng đã thấy cả đàn bồ câu sà xuống sân, đi lại tự nhiên chung quanh du khách, không gian thanh bình, an vui tưởng chừng như trần gian chẳng còn vướng bận điều gì.

Đi vào chánh điện sẽ thấy các phù điêu trang trí diễn tả nhiều sự tích Phật giáo theo quan niệm tiểu thừa của bà con phật tử Khmer chân mộc và thuần phác. Vào phía sau sẽ thấy các vị sư sãi và bà con đang bận rộn cho việc xây dựng nâng cấp ngôi chùa. Chỉ có tượng Phật nằm khổng lồ là đang thảnh thơi với chúng sanh đang chăm lo phật sự, tu tâm dưỡng tánh, làm điều lành, tránh điều dữ, để cuộc đời ngày một đáng yêu, đáng sống hơn.

Chùa Monivonsa BoPharam không những là địa chỉ hoạt động tôn giáo quan trọng của người dân địa phương mà còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa giáo dục như tổ chức dạy tiếng Khmer, kinh Phật cho người dân địa phương.

Cổng chùa Monivonsa BoPharam.

Phượt xe máy đến mũi Cà Mau

Đến Cà Mau vào cuối mùa mưa, sau một đêm trời tạnh ráo thì mây đen vần vũ, gió thổi nghe lành lạnh. Chúng tôi vẫn quyết định phượt bằng xe máy từ thành phố đến mũi Cà Mau với chặng đường cả đi lẫn về là 220 km.

Đường sá ở miền Tây Nam Bộ nhìn chung là hẹp, kể cả quốc lộ, lại đủ phương tiện tham gia giao thông nên đi lại cũng không dễ dàng. Dù vậy, cứ được đi là thích, một trung niên và ba thanh niên cứ thế thẳng tiến. Đi xe máy tuy có vất vả do đường xấu, nhiều ổ gà, trời mưa gió nhưng bù lại được nghiêng ngó ngắm nhìn cảnh vật, hít thở không khí hương đồng gió nội. Thấy ô tô nhiều nhất vẫn là xe đông lạnh chở thủy sản, nghe mùi của hồ tôm, của bùn đất bay trong gió nằng nặng mùi mắm quen thuộc.

Càng đi càng thấy hiện ra bên đường rừng ngập mặn, cây cứ vươn lên, còn rễ thì như những ngón chân Giao Chỉ bám chặt vào lòng đất mẹ ưỡn ngực ra như những tráng sĩ ở chốn tiền tiêu của Tổ quốc. Đến huyện Ngọc Hiển, thấy biển tên đường “Bông Văn Dĩa”, các chàng trai trẻ có vẻ ngạc nhiên. Tôi giải thích huyện Ngọc Hiển là lấy tên một nhà cách mạng thời chống Pháp, còn Bông Văn Dĩa là tên một vị thuyền trưởng của đoàn tàu không số lẫy lừng vận tải vũ khí từ miền Bắc vào Nam trên biển Đông, một trong những người mở đường Hồ Chí Minh trên biển và đã thành công khi cập bến Cà Mau. Mấy chàng trai có vẻ hiểu thêm một phần lịch sử của vùng đất tận cùng Tổ quốc.

Quá trưa, chúng tôi ghé lại quán cơm ven đường ăn bữa cơm với canh chua, cá thòi lòi kho tộ… - toàn những đặc sản dân dã của vùng sông nước nơi đây. Ai nấy đều ngon miệng và sảng khoái, lại tiếp tục ghé xem điện gió ở ven biển Cà Mau. Đứng nhìn những hàng điện gió thẳng tắp, tôi hiểu đây không đơn thuần góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho Cà Mau mà còn khẳng định chủ quyền lãnh hải, thiết thực đóng góp cho an ninh quốc phòng ở nơi phên dậu biển Đông.

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau cứ trải dài trước mắt khi bánh xe lăn đều và màu xanh tưởng chừng như bạt ngàn vô tận, chúng tôi như trôi trong không gian bát ngát. Chợt nhớ đến tác phẩm bút ký “Quê xứ Cà Mau” của ông bạn nhà thơ, nhà báo Trần Tuấn (Đà Nẵng) viết sau một lần phượt, được trang trọng chọn và đưa vào sách giáo khoa giảng dạy cho học sinh với nhiều chi tiết, cảm xúc thú vị.

Rồi mũi Cà Mau cũng hiện ra trước mắt. Mọi người háo hức đón đợi phút giây này, hình như tim đập nhanh hơn và chân bước mau hơn để đến nơi chót mũi trên bản đồ nước Việt. Tôi rưng rưng nhìn đất và nhìn ra biển, biết rằng mỗi năm phù sa bồi đắp từ 60 - 80 m, làm cho địa đồ nước Việt ngày càng mở rộng ra. Và bỗng dưng những câu thơ Xuân Diệu vang lên khi nắng chiều vừa hửng:

“Mũi Cà Mau: mầm đất tươi non

Mấy trăm đời lấn luôn ra biển;

Phù sa vạn dặm tới đây tuôn,

Đứng lại; và chân người bước đến.

Tổ quốc tôi như một con tàu,

Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau”.

(Còn nữa)

Bài cuối: Những điểm nhấn Tây Ninh

Phạm Xuân Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.