Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm
Để ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đắk Lắk đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát cơ sở kinh doanh mặt hàng thực phẩm.
Phóng viên Báo Đắk Lắk phỏng vấn ông MAI MẠNH TOÀN, Cục Trưởng Cục QLTT Đắk Lắk chung quanh vấn đề này.
♦ Vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được người tiêu dùng rất quan tâm, đặc biệt là khi Tết Nguyên đán đến gần. Để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe cho người tiêu dùng, Cục QLTT Đắk Lắk đã tăng cường các giải pháp gì, thưa ông?
Không chỉ dịp Tết Nguyên đán, vấn đề ATVSTP luôn được Cục QLTT Đắk Lắk rất quan tâm. Năm 2023, Cục đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra 101 vụ về ATVSTP, xử lý 89 vụ vi phạm, phạt hành chính trên 600 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm ATVSTP; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm quá thời hạn sử dụng…
Tết Nguyên đán là dịp người dân có nhu cầu cao về thực phẩm. Để góp phần bảo đảm ATVSTP, Cục QLTT Đắk Lắk đã tăng cường kiểm tra hàng hóa lưu thông trên thị trường; giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quản lý địa bàn, theo dõi, nắm bắt tình hình các đối tượng buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm không đảm bảo ATVSTP; chủ động xây dựng phương án trấn áp các đối tượng có hành vi vi phạm lĩnh vực ATVSTP.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về ATVSTP, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng. Khuyến khích người dân cung cấp thông tin, phát hiện, tố giác kịp thời những hành vi vi phạm về ATVSTP cho cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi, sự an toàn cho chính mình.
♦ Mặc dù đã vào cuộc quyết liệt, tuy nhiên hiện nay trên thị trường vẫn có nhiều sản phẩm không bảo đảm chất lượng, bao bì sản phẩm không có ngày sản xuất, hạn sử dụng. Ông có thể nói rõ hơn về tình trạng này?
Những ngày Tết, thực phẩm được tiêu thụ với số lượng lớn nhất trong năm. Đây là thời điểm nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng được trà trộn đưa vào thị trường, gây thiệt hại sức khỏe của người tiêu dùng. Đặc biệt, những năm gần đây, hình thức mua bán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội có xu hướng phát triển khiến công tác kiểm tra, giám sát ATVSTP gặp nhiều khó khăn. Phần lớn mặt hàng rao bán trên mạng xã hội thường không bảo đảm chất lượng, quảng cáo sai sự thật... Hầu hết các cơ sở bán thực phẩm online đều kinh doanh không có giấy phép.
Mặc dù cơ quan chức năng đã cố gắng đấu tranh chống nạn thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhưng theo tôi, người tiêu dùng khi mua thực phẩm nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng ở những cửa hàng, siêu thị uy tín, được cơ quan nhà nước cấp phép. Khi chọn mua thực phẩm online nên tìm các trang, người bán uy tín, nhận được nhiều phản hồi, đánh giá tích cực từ người tiêu dùng; có chế độ bảo hành, giải quyết khiếu nại cho khách hàng để hạn chế tối đa tình trạng mua phải thực phẩm "bẩn", chất lượng không giống như quảng cáo. Người tiêu dùng nên chọn mua sản phẩm có đầy đủ thông tin trên bao bì sản phẩm như: Tên sản phẩm, thông tin nơi sản xuất, xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, hướng dẫn sử dụng, thông tin cảnh báo; không mua hàng hóa trôi nổi, không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ; đặc biệt phải sử dụng, bảo quản sản phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Người tiêu dùng nên chú ý lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. |
♦ Khi phát hiện cơ sở có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa, thực phẩm không đảm bảo ATVSTP, người tiêu dùng cần làm gì thưa ông?
Khi phát hiện các loại thực phẩm nghi ngờ là hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ… cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm người tiêu dùng cần báo thông tin đến các cơ quan chức năng của tỉnh như: Cục QLTT Đắk Lắk, Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... để có biện pháp kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Người dân có thể thông báo đến số điện thoại đường dây nóng của Cục QLTT Đắk Lắk 0918.647.247; thời gian hoạt động 24/7.
♦ Xin cảm ơn ông!
Như Quỳnh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc