Multimedia Đọc Báo in

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động

08:39, 13/03/2024

Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều tiêu chí mới so với giai đoạn trước đặt ra những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện.

Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội NGUYỄN HOÀNG GIANG.

 

♦ Ông đánh giá như thế nào sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh?

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2023 toàn tỉnh đã đầu tư xây mới 17 công trình giao thông, cầu, công trình giáo dục; duy tu bảo dưỡng 29 công trình đường giao thông, thủy lợi để phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn các huyện nghèo Ea Súp và M’Drắk. Ngoài ra, xây dựng và triển khai 139 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất tại các địa phương; hỗ trợ xây mới 794 căn nhà, sửa chữa 516 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo...

Có thể nói, công tác giảm nghèo bền vững đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể quan tâm, chỉ đạo trở thành nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên; được cụ thể hóa thành chương trình của Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND, kế hoạch của UBND các cấp và của từng đơn vị. Thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập để thoát nghèo; cơ sở hạ tầng các vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn được đầu tư, nâng cấp; đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và người dân vùng nông thôn từng bước được cải thiện. Từ đó, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,74%/năm (kế hoạch giai đoạn từ 1,5 - 2,0%/năm); tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm bình quân 3,45%/năm (kế hoạch giai đoạn từ 3,0 - 4,0%/năm).

♦ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều thay đổi so với giai đoạn trước đó nên quá trình triển khai thực hiện có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có nhiều thay đổi về đối tượng, phạm vi, nội dung hỗ trợ, cơ chế quản lý chương trình so với giai đoạn trước. Hệ thống văn bản triển khai nhiều, có một số nội dung vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chưa được các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn cụ thể, kịp thời.

Bên cạnh đó, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng, đôi khi chưa phù hợp với một số đối tượng; một số địa phương trong tỉnh chưa quan tâm nhiều đến công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân, nên vẫn còn một số hộ nghèo chưa nắm bắt và tiếp cận kịp thời các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, thiếu ý chí tự lực vươn lên đã trở thành rào cản trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất chuyển từ hình thức hỗ trợ theo từng hộ sang hỗ trợ theo nhóm cộng đồng, trong nhóm cộng đồng phải có thành viên làm kinh tế giỏi gây lúng túng, khó khăn cho các địa phương, nhất là tại cơ sở.

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đồng bào DTTS ở một số địa phương còn cao, chủ yếu tập trung ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn; mức độ thiếu hụt tiếp cận một số dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, nước sạch và vệ sinh còn cao.

♦ Để tháo gỡ những khó khăn trên, theo ông đâu là giải pháp cần quan tâm thực hiện?

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, từ nay đến hết năm 2025, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp gắn với phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân tương ái", khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá thực hiện công tác giảm nghèo; tăng cường sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể các cấp và người dân, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong quản lý và sử dụng vốn thực hiện các chính sách giảm nghèo. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và huy động đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.

Thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đúng quy trình và yêu cầu (chính xác, dân chủ, công khai, công bằng và có sự tham gia của người dân); đảm bảo phản ánh đúng thực trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn...

♦ Xin cảm ơn ông!

Thúy Hồng (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.