Multimedia Đọc Báo in

Những mảnh gương xưa còn lại

17:16, 27/09/2024

Làng quê là căn cước đời người. Trong ký ức, tấm căn cước ấy không văn tự, nó chỉ vang lên trong trái tim mỗi khi nhớ về nguồn cội, gốc gác bằng chính tên gọi của ngôi làng, vùng đất nơi họ sinh ra, lớn lên. Tên đất, tên làng vì vậy trở nên thiêng liêng.

Xưa kia, tiền khai khẩn hậu khai canh, ở nơi nào đó, việc quan trọng nhất và trên tất thảy đối với cư dân là việc đặt tên làng, địa danh. Có nhiều cách đặt tên, nơi thì dựa vào phương vị như Bắc Bình, Nam Ngãi, Đông Lễ, Tây Trì…; nơi thì dựa vào hình sông thế núi, vật dáng như Ải Vân, Giăng Màn, Cổng Trời, Ngự Bình, Đèo Ngang, Trống Mái, Cửu Long…

Nơi thì lấy luôn nghề truyền thống như rèn, dệt, thêu, đúc đồng để gọi. Thành ra khi nói ra tên làng, người ta thường kèm luôn cả nghề, như ở phía bắc có làng gốm Bát Tràng, làng tranh Đông Hồ, làng lụa Vạn Phúc…; ở Quảng Nam, Đà Nẵng cũng có như làng chiếu Triêm Tây, làng dệt Mã Châu, làng đá Non Nước.

Còn nhiều kiểu đặt tên khác, rất đa dạng như lấy tên người khai khẩn, khai canh, người có công với nước, với dân đặt tên làng, địa danh như kênh Vĩnh Tế, đèo Mụ Giạ; các buôn làng ở Tây Nguyên như Buôn Ma Thuột, Plei Sar, Plei Chôt, Plei Tang. Lấy ước mong, khát vọng của cộng đồng làm tên gọi như: Thăng Long, Phú Yên, Lạc Giao, Phú Quý. Hoặc có khi tên gọi bắt nguồn từ truyền thuyết, cổ tích, giai thoại như sông Hương ở Thừa Thiên – Huế, núi Tản Viên ở Hà Nội…

Làng cổ Bích La ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, Quảng Trị cổ kính và yên bình. Ảnh tư liệu

Tên làng và địa danh đã trở thành di sản của cha ông để lại, là hương hỏa ký ức của một cộng đồng, một dòng họ, một vùng đất. Nắm giữ và hiểu biết về tên làng, địa danh là cách chắp nối những sự kiện rời rạc, khơi thông những gián đoạn của dòng chảy lịch sử và vẽ lại chân dung của tiền nhân trong quá khứ.

Nhìn từ góc độ dân gian, hiếm có vùng đất nào không để lại tên làng, địa danh trong ca dao, dân ca. Nếu ví ca dao, dân ca, tục ngữ… là những viên ngọc quý của kho tàng folklore thì trên mỗi viên ngọc quý đó luôn có hồn vía thăng hoa từ những địa danh.

Chỉ tính riêng miền Trung thôi, từ mạn bắc trở vào, đã thấy vô số những câu ca dao như: Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ; Thương em anh cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang; Núi Ngự Bình trước tròn sau méo/ Sông An Cựu nắng đục mưa trong; Đi bộ thì sợ Hải Vân/ Đi thủy thì sợ sóng thần Hang Dơi; Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm; Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi; Bao giờ Cầu Mống gãy đôi/ sông Thu hết nước em mới thôi thương chàng; Muốn ăn bánh ít lá gai/ Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi…

Những tên đất, tên làng ngoài một số phủ màu sương khói của huyền thoại, truyền thuyết, cổ tích… thì có không ít những cái tên bị biến đổi theo thời gian mà qua đó có thể nhận biết lịch sử một thời kỳ, một giai đoạn. Chẳng hạn, thời nhà Nguyễn, việc kỵ húy nghiêm khắc dẫn đến nhiều nơi chốn phải đổi tên. Vùng Thanh Hóa ngày nay trước kia có tên là Thanh Hoa, do kỵ húy mà trại đi; tương tự chợ Đông Hoa cũng phải đổi thành chợ Đông Ba, sông Minh Lương thành sông Hiền Lương như ngày nay…

Đã có một thời, vì nhiều lý do, chúng ta không chú ý đến việc bảo tồn các địa danh, tên làng. Chúng ta mã hóa bằng những con số hoặc đặt định theo ý muốn chủ quan. Những ngôi làng hay đơn vị hành chính cao hơn như cấp xã, huyện bỗng dưng phải nhường tên cúng cơm cho các con số, các tổ hợp từ mang tính cổ động như thôn 1, thôn 2, xã Đoàn Kết, xã Tự Cường, xã Tiền Phong… Việc đặt tên như vậy có thực sự tiện lợi về mặt quản lý hành chính hay không và ít nhiều cổ súy tinh thần hay không, chưa rõ. Nhưng đứt gãy truyền thống, văn hóa, lịch sử… thì chắc chắn đã có xảy ra.

Cổng làng Cam Lộ thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Xưa kia ngôi làng này sầm uất, thương nghiệp phát triển nên được sách sử gọi là “Tiểu Trường An”.

Gần đây, chủ trương tinh giản bộ máy công quyền bằng cách hướng đến sáp nhập các đơn vị hành chính tương đương ở cấp thôn, xã, huyện… khiến nhiều cộng đồng dân cư xôn xao, lo lắng, thậm chí phản ứng. Gạn lọc và gạt bỏ đi thái độ quá khích vì thói tự tôn, sự kỳ thị vùng miền thì những ưu tư đó là có thật, nó phản ánh nỗi lo lắng khi tên làng, tên đất mất đi, nghĩa là truyền thống ở đó cũng có khả năng mất đi. Dĩ nhiên, một đất nước muốn phát triển luôn phải có những chủ trương, chính sách phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, thậm chí có những quyết định buộc phải va chạm lợi ích một nhóm thiểu số. Tuy nhiên, trong trường hợp này, những nơi cần sáp nhập và đặt lại tên mới cần có ý kiến đóng góp của người dân. Bên cạnh đó, chính quyền nên tham khảo và nhờ tư vấn của các nhà chuyên môn như ngôn ngữ học, sử học, văn hóa học…, để có hướng giải quyết thấu đáo, hợp tình, hợp lý.

Nói một cách hình ảnh, địa danh là những mảnh gương xưa còn lại, khéo léo bảo tồn và biết lắp ghép sẽ nhìn ra trong đó chân dung của chính con người, những chủ nhân của mỗi vùng đất đã, đang và sẽ tiếp tục tạo dựng, khơi thông dòng chảy văn hóa nối tiếp từ quá khứ, hiện tại đến tương  lai.

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc