Multimedia Đọc Báo in

Huy động nguồn lực từ đối ngoại cho phát triển

08:33, 27/11/2024

Để chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại của tỉnh tiếp tục được tiến hành đồng bộ, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, tạo môi trường thuận lợi huy động mọi nguồn lực trong xây dựng và phát triển Đắk Lắk.

Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Ngoại vụ PHẠM VĂN PHƯỚC.

 

♦ Thời gian qua, công tác đối ngoại của tỉnh được thực hiện khá toàn diện và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đơn vị, địa phương. Xin ông cho biết những kết quả nổi bật?

Với phương châm “lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm phục vụ”, Sở Ngoại vụ đã tham mưu đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại đi vào chiều sâu, thiết thực. Trong đó, tỉnh đã mở rộng việc kết nối và ký kết thỏa thuận hợp tác, phái cử lao động thời vụ… với các địa phương, DN và các hiệp hội của tỉnh với các đối tác nước ngoài. Việc chú trọng thắt chặt quan hệ đối ngoại truyền thống, láng giềng đã tạo cơ hội mới cho các địa phương, DN của tỉnh quảng bá, tìm kiếm nhu cầu, kết nối hợp tác, đầu tư để phát triển kinh tế.

Nổi bật trong hoạt động này là Sở Ngoại vụ đã tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức thành công Hội nghị doanh nghiệp và đầu tư giữa Ấn Độ và các tỉnh Tây Nguyên, thông qua hội nghị có 52 thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các DN hai bên, tạo cơ hội giao lưu, kết nối cho các DN của tỉnh với hơn 70 DN Ấn Độ (nâng tổng số thỏa thuận ký kết giữa DN Ấn Độ với DN Đắk Lắk lên 76 thỏa thuận).

Bên cạnh đó, công tác kêu gọi vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài tiếp tục chú trọng triển khai và đã đạt hơn 1,6 triệu USD (tương đương 129% so mục tiêu phấn đấu hằng năm là 1,3 triệu USD)...

♦ Hoạt động đối ngoại địa phương còn những khó khăn, vướng mắc nào và được ngành chức năng tháo gỡ ra sao, thưa ông?

Hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh công tác đối ngoại còn ít, nhất là các quy định về quản lý đoàn ra, đoàn vào. Hiện nay việc thực hiện các hoạt động đối ngoại của địa phương được áp dụng thống nhất theo quyết định của Trung ương và tại tỉnh là quy chế của Tỉnh ủy. Một số quy định ban hành đã lâu, không còn phù hợp thực tiễn hiện nay và chậm ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế…

Trong thời gian qua, mặc dù tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhằm thu hút đầu tư trên các lĩnh vực mà tỉnh có dư địa lớn, nhưng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại tỉnh, nên việc thu hút vốn ODA và FDI còn rất khiêm tốn.

Đối với những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ các quy định pháp luật hiện hành, trong công tác cửa khẩu, phân giới cắm mốc, Sở Ngoại vụ đã và đang tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị với các cơ quan Trung ương xem xét và ban hành các văn bản sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn.

Đối với công tác thu hút đầu tư nước ngoài tại tỉnh, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư bằng các hình thức phù hợp; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

♦ Để chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại tập trung những giải pháp gì, thưa ông?

Hiện Sở Ngoại vụ đang tham mưu UBND tỉnh rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định của tỉnh về công tác đối ngoại, đồng thời tham mưu UBND tỉnh kiến nghị các cơ quan Trung ương sớm sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất và phù hợp với thực tiễn trong triển khai thực hiện.

Để huy động hiệu quả nguồn lực từ đối ngoại cho xây dựng, phát triển, tỉnh tiếp tục thúc đẩy ngoại giao kinh tế kết hợp với ngoại giao văn hóa. Trong đó, đẩy mạnh hợp tác với địa phương các nước trên cơ sở thực hiện thỏa thuận cấp cao: Việt Nam - Lào; Việt Nam – Campuchia; hợp tác với tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc), Orkhon (Mông Cổ) và mở rộng quan hệ hợp tác với địa phương các quốc gia Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc…

Qua đó, tăng cường hơn nữa kết nối và hợp tác giữa các địa phương, DN trong tỉnh với đối tác nước ngoài, thu hút các nguồn vốn ODA, FDI; quản lý và sử dụng có hiệu quả các khoản viện trợ không hoàn lại của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài và hướng các khoản viện trợ vào các lĩnh vực tỉnh đang có nhu cầu.

♦ Trân trọng cảm ơn ông!

Quỳnh Anh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Sản xuất bền vững, tăng giá trị cà phê Krông Năng
Trong những năm gần đây, huyện Krông Năng triển khai nhiều chương trình, đề án phát triển cà phê bền vững. Trong đó, Chương trình sản xuất kết hợp với bảo tồn nguồn tài nguyên và an sinh xã hội (còn gọi là Compact Krông Năng) đã làm thay đổi nhận thức của người dân, hướng đến sản xuất bền vững, sản xuất có trách nhiệm.