Multimedia Đọc Báo in

Thúng chai... ký sự

08:22, 24/11/2024

Thúng chai (thuyền thúng) từ lâu đã được mệnh danh là “trí khôn sông nước Việt”. Với ngư dân miền Trung, ra biển mà không có thúng chai thì ngang với… cụt tay.

Cánh tay nối biển

Thúng chai có vai trò như là “cánh tay” của ngư dân, thuyền “con” của thuyền “mẹ” nên luôn là vật bất ly thân của các tàu cá. Riêng tàu đánh bắt xa bờ phải thường trực 5 - 10 thúng chai.

Thúng chai cũng là phương tiện thoát hiểm hữu hiệu khi tàu gặp sự cố. Trên biển khi sóng đến cấp 5 thì loại thuyền dài dưới 10 m coi như… cái lá, sóng quật lăn lóc. Riêng thúng chai thì không đầu, không đuôi cũng chẳng thân, sóng đánh hướng nào cũng là thuận. Hất lên lại tụt xuống, như quả bóng. Khi giông bão, thuyền gặp nạn giữa biển khơi, thuyền khác đến cứu không dám cặp mạn, cách hữu hiệu nhất là chiếc thúng chai, chuyền sang nhau.

Công đoạn nứt vành thúng chai.

“Sư biển” Võ Đốc (ở phường 6, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), nguyên là lính pháo binh trên đảo Trường Sa Lớn từ 1985 - 1988, giờ là thuyền trưởng tàu cá ngừ đại dương (cá bò gù), nói: “Thúng chai cũng ví như những chiếc canô, thuyền cao su, thuyền cứu hộ trên các tàu khách, tàu hải quân và còn hơn thế. Nếu thiếu thúng chai thì tàu cá không thể rời bến đi đánh bắt. Thúng chai còn kiêm nhiệm nhiều công đoạn trong một số nghề câu như mực, bò gù. Khi phát hiện ra vùng biển có nhiều mực, lập tức các thúng chai được thả xuống nước, mỗi bạn tàu mỗi thúng để câu trong vài giờ, rồi gom quân. Cá bò gù rất mê mồi mực. Câu bò gù mà không có thúng chai thì bó tay”.

Khi một tàu lớn chạy tạt ngang, thuyền dài nhỏ rất dễ “uống nước” nhưng thúng chai vẫn bồng bềnh lướt tốt, bởi việc cưỡi lên sóng là thế mạnh của loại thuyền tròn. Vào các đảo đá nổi chìm ở Hoàng Sa, Trường Sa, không gì bằng thúng chai. Đảo đá, thành dựng đứng, sóng vỗ vào dội ngược ra, tàu thuyền thông thường qua lớp sóng này không khác gì vượt cửa tử, còn thúng chai thì vô tư. Cứ dập dềnh vài cái là qua. Qua lớp sóng bìa đảo đến lớp đá lởm chởm hàng cây số, thuyền nhỏ hay canô xoay xở để không mắc, không va vỡ rất vất vả. Còn thúng chai thì cứ xoay xoay, lắc lắc, dích dắc mà đi.

Và không cần dụng cụ gì thêm vẫn có thể di chuyển thúng chai trên nước, gọi là lắc thúng. Có mái chèo đi, không mái chèo vẫn đi. Đi theo kiểu lắc, như mấy cô gái tuổi đôi mươi lúc lắc cái hông cho thiên hạ tròn xoe mắt mà ngưỡng mộ vậy.

Theo Th.S Ngô Văn Thanh (người Phú Yên, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh), thúng chai là phát minh, sáng tạo độc đáo của người Việt, phát triển từ chiếc thúng đựng nông sản thành phương tiện giao thông thủy. Ông Thanh nói: “Chưa thấy có công trình nghiên cứu chi tiết về nguồn gốc thúng chai. Nhưng tôi suy đoán, sự ra đời của thúng chai cũng chỉ sau khi các chúa Nguyễn cho phát triển dải đất miền Trung. Ngư dân phải ra biển từ các bãi ngang sóng lớn, nên phát kiến ra thuyền hình tròn để tăng khả năng lướt sóng, chinh phục bể Đông”.

Nguyên liệu chính để sản xuất thúng chai là nan tre, dầu chai và… phân bò. Loại thúng chai được sản xuất tại làng nghề Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) hiện được thị trường khá chuộng. Bởi tính chuyên nghiệp của làng nghề này, nên nơi đây đã được mệnh danh là “thủ phủ” thúng chai. Theo những người già trong làng, hàng trăm năm qua, Phú Mỹ chưa bao giờ dừng sản xuất thúng chai, dù ít dù nhiều, dù nóng dù lạnh của nghề sông nước, của thị trường.

Quét dầu rái, phơi nắng thúng chai.

Chu du Á, Âu

Thúng chai Việt cũng đã có mặt ở đất Á, trời Âu; và loại thuyền “tròn xoe” lại linh hoạt, hữu dụng trong mọi hoàn cảnh nên rất lạ trong mắt nhiều cư dân thế giới.

Cuối năm 2011, thúng chai hiện diện lần đầu tiên trên đất Thái Lan trong đợt lũ lụt kéo dài lịch sử ở nước này. Ông Võ Văn Kin (ở phường 6, TP. Tuy Hòa, Phú Yên) vẫn còn nhớ chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời: sang Thái Lan dạy bạn “xài” thúng chai, một sản phẩm “chơn chất” của quê ông.

Nguyên cớ đi Thái của ông Kin là từ Th.S Ngô Văn Thanh vốn là người từng nhiều năm du học tại Thái Lan và hiện có nhiều bạn là trí thức, doanh nhân Thái đang làm việc tại Việt Nam. Trong một dịp về Phú Yên du lịch, những người bạn Thái của ông Thanh vô cùng thích thú trước công dụng của chiếc thuyền thúng, thế là họ nảy ý nhập khẩu. Và ông Kin được chọn làm “giảng viên” dạy cách sử dụng thúng chai.

Có mặt tại thủ đô Bangkok, ông Kin bắt tay ngay vào việc “biểu diễn” thúng chai tại Cơ quan đăng kiểm Thái Lan, sau đó là tại Hội Chữ thập đỏ Bangkok, “cầm tay chỉ việc” cho hàng loạt “cán bộ” và ngư dân Thái. Lúc nào thúng chai và ông Kin xuất hiện là người xem như hội, cổ vũ như… bóng đá quốc tế. Nhiều nhân viên chính phủ và người dân Thái đã lần lượt leo lên thử thúng và xin chụp ảnh với “ngôi sao” ngư dân Việt. Riêng cái vụ… lắc thúng là khó à nghen (!), ông tập đi tập lại nhưng chỉ một số người mới làm theo “tạm ổn”. Và sau đó, thúng chai vào cuộc chống lũ lụt trên đất Thái.

Thúng chai ra biển.

Thúng chai Việt lại được dịp chu du khi có người đặt hàng cùng lúc 200 chiếc đưa đi Tây Âu. Bà Nguyễn Kim Thoa, một người làm du lịch tại TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Giữa tháng 9/2011, Thụy Sĩ và Việt Nam cùng tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1971 - 2011). Dịp này, ở thành phố Zürich (Thụy Sĩ) có tổ chức một hội chợ làng nghề thế giới; và “đại biểu” thúng chai Việt đã được mời tham gia. Tại đây, một nghệ nhân Việt Nam đã biểu diễn sản xuất và lắc thúng chai. “Thế là khách tại hội chợ đều mê tít từng chi tiết của việc làm ra và sử dụng loại “thuyền tròn” kỳ diệu này. Và đợt đặt hàng này là kết quả của ý tưởng nhiệt huyết của những người bạn Thụy Sĩ làm văn hóa, du lịch”, bà Thoa nói.

Liên tiếp trong các năm qua, làng nghề thúng chai ở huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) đã nhận được đơn đặt hàng từ Thái Lan, Thụy Sĩ và nhiều nước khác. Thế là thúng chai được dịp bay bổng tứ phương. Đơn giản nhưng tràn nội lực, hình ảnh thúng chai đang dần lan tỏa như là một vị đại sứ đầy quyến rũ của biển Việt Nam.

Hùng Phiên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.