Multimedia Đọc Báo in

Phát huy trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy

08:25, 27/11/2024

Tiếp dân, đối thoại là kênh quan trọng để người đứng đầu cấp ủy các cấp không chỉ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân mà qua đó còn lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hà Huy Quang, Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy chung quanh vấn đề này.

 

♦ Thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với người dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của công dân, Đắk Lắk đã cụ thể hóa và triển khai thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 11-QĐi/TW, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản như: quy chế, quy định Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân; các văn bản quy định về nội quy tiếp dân của Bí thư Tỉnh ủy; việc tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh gửi đến Tỉnh ủy; giải quyết các vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài trên địa bàn; nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và bảo vệ người tố cáo. Ngoài ra, ngày 24/8/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 1427-QĐ/TU “Thành lập Ban chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh”.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân công Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu, xử lý các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ trong quá trình Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân.

♦ Đồng chí đánh giá thế nào về kết quả công tác tiếp dân, nhất là việc chỉ đạo, xử lý những vấn đề phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh?

Có thể nói, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư của công dân trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực. Các ý kiến, kiến nghị của người dân đều được người đứng đầu cấp ủy tiếp thu, chỉ đạo xem xét, xử lý kịp thời, bảo đảm đúng quy định.

Công tác hòa giải, đối thoại để giải quyết các vướng mắc, mâu thuẫn trong nhân dân được quan tâm hơn; giảm thiểu các khiếu nại, tố cáo không đúng; giải quyết được nhiều vụ tranh chấp, khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.

Theo thống kê, sau 5 năm thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW, người đứng đầu cấp ủy các cấp đã tiếp khoảng 19.000 cuộc/17.000 lượt công dân; tiếp nhận và xử lý hơn 16.000 lượt đơn phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.

Ngoài ra, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy làm Phó Trưởng ban.

Nhờ đó, số lượng các vụ việc này trong thời gian qua đã giảm đáng kể, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung cùng đoàn công tác của tỉnh tìm hiểu tình hình phát triển nông nghiệp tại xã Ea Pil (huyện M'Drắk).

♦ Công tác tiếp dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của người dân hiện còn những tồn tại, hạn chế nào không? Theo đồng chí, cần tập trung những giải pháp gì để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác này?

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: việc quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Quy định số 11 có lúc, có nơi chưa thật sự hiệu quả; lãnh đạo một số đơn vị, địa phương chưa chú trọng việc đối thoại với công dân trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn để phát sinh nhiều đơn, thư khiếu nại, vượt cấp, kéo dài; công tác tham mưu giải quyết đơn thư của một số cơ quan, đơn vị có mặt còn hạn chế; vẫn còn hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo giữa các ngành; một số vụ việc xảy ra chưa được giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư của công dân, Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư và tổ chức đối thoại với công dân; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác minh, giải quyết kịp thời, chính xác các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở.

Bên cạnh đó, xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ; cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết vụ việc dẫn đến người dân khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.

♦ Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Mạnh Quyền (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.